Chủ nhật, 17/11/2024, 11:37[GMT+7]

Chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ 2, 06/01/2020 | 11:07:34
13,508 lượt xem
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu, bò như nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp dồi dào được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, diện tích vùng bãi bồi ven sông lớn phù hợp để chăn thả đại gia súc... Phát huy tiềm năng và lợi thế đó, nhiều hộ dân đã chăn nuôi trâu, bò - chủ yếu là chăn nuôi bò, cho thu nhập cao và ổn định.

Mô hình chăn nuôi bò tổng hợp của gia đình ông Bùi Văn Bốn, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho hiệu quả kinh tế cao.

Gắn bó với nghề nuôi bò gần 15 năm nay, có thời điểm gia đình ông Bùi Văn Bốn ở thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) nuôi tới 63 con bò sinh sản và bò thương phẩm. Năm 2004, ông Bốn đấu thầu hơn 3ha đất ven đê sông Hồng để xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng trọt. 

Ông Bốn cho biết: Năm 2005, tôi đầu tư 20 triệu đồng để mua hai cặp bò mẹ con giống lai Sind về nuôi và nhân giống. Bê con sinh ra nếu là cái được giữ lại làm giống còn bê đực sẽ nuôi vỗ béo thành bò thương phẩm để bán. Qua các năm, đàn bò sinh sản được nhân lên tới 30 con, chưa kể đàn bò thịt. Mỗi con bò đực nuôi khoảng một năm đạt cân nặng 2,5 - 2,7 tạ có giá bán từ 20 - 25 triệu đồng/con, nuôi khoảng 2 năm đạt cân nặng 4,5 - 5 tạ có giá bán từ 30 - 35 triệu đồng/con. Nuôi bò sinh sản và bò thương phẩm tuy thời gian nuôi dài nhưng giá cả ổn định, ít dịch bệnh, chi phí chăn nuôi thấp do tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Từ khi nuôi bò đến nay, nguồn lãi thu được qua các năm đều tăng, năm nuôi ít cho lãi khoảng 150 triệu đồng, riêng năm 2019 gia đình tôi thu lãi gần 250 triệu đồng từ đàn bò.  

Chuyển sang nghề nuôi bò được 4 năm nay với số lượng nuôi thường xuyên từ 20 - 40 con, gia đình ông Đỗ Văn Tuyện ở thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) chuyên nuôi bò vỗ béo. 

Ông Tuyện cho biết: Với diện tích trang trại hơn 2ha, ngoài xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi rộng gần 500m2 diện tích còn lại để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Tôi chọn phương thức nuôi bò vỗ béo bởi những ưu điểm như tiết kiệm được thời gian nuôi, không mất nhiều công chăn thả, khả năng thu hồi vốn nhanh. Bò vỗ béo theo phương thức nuôi bán tự nhiên, hàng ngày được thả ra cánh đồng để tìm thức ăn tự nhiên, sau đó cho ăn thêm tại chuồng bằng cỏ tươi xay kết hợp với thức ăn tinh như cám ngô, cám vỗ béo bò thịt và bổ sung thêm vitamin. Sau 3 - 4 tháng vỗ béo với điều kiện khẩu phần ăn uống được bảo đảm và chăm sóc tốt, những con bê đạt kích cỡ bò thương phẩm là có thể xuất bán với mức lãi bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/con. Mỗi năm gia đình nuôi từ 3 - 4 lứa bò vỗ béo, cung cấp cho thị trường khoảng 25 - 30 con bò thương phẩm, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Gia đình ông Đỗ Văn Tuyện, thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) chuyên nuôi bò vỗ béo cho thu nhập ổn định.

Mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Bốn, ông Tuyện cho thấy, dù chăn nuôi theo hình thức nào thì cũng cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Có thể khẳng định tầm quan trọng và lợi ích kinh tế từ chăn nuôi bò đó là giúp khai thác tối ưu các nguồn lợi thiên nhiên như đồng bãi chăn thả, tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân; cho nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao; cung cấp phân bón cho cây trồng... Từ những lợi ích trên, mô hình chăn nuôi bò cần được nhân rộng, phát triển để tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 14.744 hộ chăn nuôi trâu, bò, trong đó: đàn bò có gần 48.600 con được nuôi tập trung chủ yếu ở Hưng Hà, Vũ Thư, Thái Thụy, Quỳnh Phụ; đàn trâu có gần 6.300 con được nuôi tập trung chủ yếu ở Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương. Định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh trong thời gian tới đó là tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm tỷ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỷ trọng chăn nuôi đại gia súc; nuôi trâu, bò lấy thịt và lấy sữa là một trong những đối tượng con vật nuôi chủ lực của tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 phát triển tổng đàn tăng gấp 3 - 4 lần hiện nay; phát triển mạnh các giống bò cao sản có năng suất, chất lượng cho giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh sản phẩm và tiếp cận thị trường. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND về ban hành đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”. Đây là những cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển đàn trâu, bò thương phẩm trên địa bàn tỉnh, từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thanh Huyền