Thứ 7, 16/11/2024, 12:55[GMT+7]

Đẩy nhanh tiến độ dự án hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai

Thứ 3, 19/06/2012 | 15:16:34
2,221 lượt xem
Thái Bình là 1 trong 9 tỉnh, thành phố của cả nước được chọn tham gia dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (HTQLĐĐ) Việt Nam (dự án VLAP). Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, tiến độ triển khai dự án còn khá chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thiện và hiện đại hóa HTQLĐĐ…

Niềm vui của người dân khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Để hiểu rõ hơn về lợi ích từ dự án VLAP đối với người sử dụng đất, phóng viên (PV) Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tuấn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Dự án tỉnh, Giám đốc Ban quản lý dự án VLAP tỉnh quanh vấn đề này.

 

PV:  Xin ông cho biết dự án VLAP có ý nghĩa như thế nào? Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người dân trong quá trình thực hiện dự án?  

 

Ông Trần Ngọc Tuấn: Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai thông qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện công khai, minh bạch, chính xác, đầy đủ về đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là giấy chứng nhận) nhằm đáp ứng nhu cầu về thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất và thông tin của cộng đồng...

 

Người dân có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công thực hiện; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về thửa đất cho đơn vị thi công và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phải thỏa thuận, thống nhất với chủ sử dụng đất liền kề về ranh giới, mốc giới thửa đất của mình và tiến hành cắm mốc xác định ranh giới bằng cọc gỗ, đinh sắt hoặc vạch sơn của đơn vị thi công. Cung cấp kịp thời bản photocopy các giấy tờ như: chứng minh thư nhân dân, GCN quyền sử dụng đất, GCN quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác, các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất (nếu có) cho đơn vị thi công để làm cơ sở thực hiện việc đo đạc lập bản đồ, đăng ký đất đai, cấp mới hoặc cấp đổi lại GCN.

 

Trong quá trình đo đạc, lập bản đồ địa chính, cán bộ đo đạc sẽ lập bản mô tả hiện trạng ranh giới, mốc giới thửa đất. Khi nhận được bản mô tả ranh giới, mốc giới từ cán bộ đo đạc, chủ sử dụng đất phải kiểm tra kỹ các thông tin về thửa đất của mình và ký xác nhận vào bản mô tả (nếu có sai sót thì yêu cầu đơn vị thi công phải chỉnh sửa bản mô tả cho phù hợp với hiện trạng trước khi ký). Người dân phải làm đơn đề nghị để được cấp hoặc cấp đổi GCN.

 

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được thời gian qua?

 

Ông Trần Ngọc Tuấn:  Đến nay, kết quả thực hiện dự án còn rất chậm, sau hơn 3 năm, mới có 19 xã của huyện Kiến Xương hoàn thành và bàn giao tài liệu, 14 xã (Kiến Xương: 4 xã, Quỳnh phụ: 10 xã) dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2012. Đã đo đạc, lập bản đồ địa chính 24.795,6 ha/43.275,2 ha, bằng 57,3 % tổng diện tích phải đo đạc của toàn dự án. Cấp mới, cấp đổi 44.713/160.361 GCN bằng 27,8% số GCN theo kế hoạch của dự án; trong đó 11.071 GCN đã trao đến tay người sử dụng đất. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và 2 huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ đã được trang bị hệ thống máy tính, thiết bị văn phòng. Tổ chức đào tạo cho 36 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện về nghiệp vụ chuyên môn trong quản lý vận hành hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại, quản trị mạng, nghiệp vụ khách hàng,… Tổ chức nhiều hội nghị “Tuyền truyền nâng cao nhận thức cộng đồng” cho cán bộ xã, đại diện người dân trong xã ở các xã, phường, thị trấn tham gia dự án. Đến nay đã giải ngân được khoảng 19% kế hoạch vốn của dự án.

 

PV: Theo ông, nguyên nhân chậm tiến độ là do đâu?

 

Ông Trần Ngọc Tuấn: Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý đất đai sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới được thực hiện thí điểm tại 09, tỉnh trong đó có Thái Bình. Dự án đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, chất lượng và thời gian thực hiện, trong khi đó năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế. Hơn nữa, Thái Bình là tỉnh đất chật, người đông, tình trạng sử dụng đất manh mún, mật độ thửa đất trên một đơn vị diện tích đất lớn, với yêu cầu kỹ thuật và pháp lý của thửa đất đòi hỏi cao, nhưng tài liệu lịch sử quản lý về đất đai (đặc biệt là đất ở) còn thiếu chính xác nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là trong công tác lập, xét duyệt hồ sơ cấp GCN. Dự án VLAP được triển khai đúng vào thời điểm Thái Bình thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh uỷ về xây dựng nông thôn mới và Quyết định số 214 của UBND tỉnh thực hiện đề án dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp. Một số xã do chưa hoàn thành việc DĐĐT nên chưa triển khai được việc đo đạc khu vực ngoài đồng. Nhiều địa phương, đơn vị thi công đã hoàn thành việc đo đạc chi tiết khu vực ngoài đồng mới triển khai DĐĐT nên hiện trạng sử dụng đất ngoài đồng không còn phù hợp với tài liệu đã đo đạc.

 

PV: Vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là gì, thưa ông?

 

Ông Trần Ngọc Tuấn: Với mục tiêu hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai tại 94 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ và Thành phố, trong thời gian từ nay đến khi dự án kết thúc (hết tháng 12/2013), khối lượng công việc còn lại rất lớn, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Ban quản lý dự án VLAP tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

 

- Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu dịch vụ kỹ thuật.

 

- Phối hợp cùng với UBND huyện Kiến Xương, Quỳnh phụ và Thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh công tác xét duyệt hồ sơ cấp GCN, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là trong công tác lập, xét duyệt hồ sơ đăng ký cấp GCN; hướng dẫn người sử dụng đất kê khai, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính thông báo cho người sử dụng đất thực hiện; trao GCN cho người sử dụng đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.

 

-  UBND huyện Kiến Xương, Quỳnh phụ và Thành phố đôn đốc UBND các xã tập trung thực hiện DĐĐT, đảm bảo chắc chắn đến đầu quý I năm 2013 phải hoàn thành xong việc giao đất ngoài thực địa.

 

- Tiếp tục phối hợp với các ban ngành có liên quan, UBND cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp và cán bộ cấp huyện, xã để đảm bảo việc khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất sau khi hoàn thành dự án.

 

PV: Cảm ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn!

Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa