Thứ 7, 16/11/2024, 13:27[GMT+7]

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Thứ 6, 29/06/2012 | 10:55:55
3,166 lượt xem
Xuất phát từ hai bàn tay trắng, vươn lên trong khó khăn để chuyển đổi từ mô hình cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế cao, trở thành người làm ăn hiệu quả nhất vùng chuyển đổi xã Đông Sơn (Đông Hưng). Đó chính là ông Bùi Thọ Thính.

Hội Nông dân huyện Đông Hưng kiểm tra mô hình nuôi ếch tại hộ ông Thính.

Được Hội Nông dân huyện giới thiệu, chúng tôi đã về tìm hiểu mô hình chuyển đổi của ông Thính. Ông cho biết: Những ngày đầu thực hiện chuyển đổi đã gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn. Ngày đó ngân hàng cho vay ít, gia đình lại không có vốn  nên phải huy động từ những người thân ruột thịt, anh em bạn bè. Vùng chuyển đổi ngày đó như một vùng “đất chết”, không điện, không đường, chua trũng khó canh tác gây khó khăn cho các hộ đầu tư.

Mới đầu dự tính sẽ dồn trọng tâm vào việc đào ao nuôi cá, ông đã đào 2 ao với diện tích trên 2.000m2 để nuôi các loại cá truyền thống. Tuy nhiên do độ chua ở ao còn nhiều nên bị thất thu; các loại gia súc, gia cầm khác mới chỉ nuôi số lượng ít nên chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm đó trong gia đình đã có người nản chí và tìm cách bàn lùi nhưng bằng nghị lực và quyết tâm của bản thân, ông đã động viên gia đình khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu. Ông tiếp tục đi học hỏi và tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện, tỉnh tổ chức và đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi các loại cá nước ngọt.

Năm 2005, ông quyết định đào thêm 2 ao, nâng tổng diện tích ao lên trên 3.500m2/ 11.000m2 tổng diện tích chuyển đổi. Ngoài duy trì nuôi gần 100 đầu lợn, năm 2009 ông đã mạnh dạn đưa các giống mới vào chăn nuôi như cá rô phi đơn tính, ếch Thái Lan với số lượng hàng vạn con và hàng trăm con gia cầm sinh sản như chim bồ câu, gà, ngan, vịt. Duy trì hoạt động theo mô hình chăn nuôi tổng hợp nên nhiều năm qua ông đã trở thành hộ làm ăn hiệu quả nhất vùng chuyển đổi của xã. Doanh thu từ vài chục triệu đồng đã tăng dần lên hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2009, tổng doanh thu của gia đình đạt trên 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng. Tới năm 2010 lợi nhuận đã đạt khoảng 300 triệu đồng.

Hiện nay ông đang duy trì nuôi trên 2 mẫu ao với các loại cá truyền thống như cá chép 3 máu và cá rô phi, mỗi lứa xuất trên 7 tấn cá; nuôi trên 100 đầu lợn thịt, mỗi năm xuất 4 lứa, mỗi lứa từ 5-7 tấn, duy trì nuôi ếch Thái Lan, mỗi năm xuất 3 lứa, mỗi lứa xuất 1 vạn con có tổng trọng lượng từ 1,5-1,7 tấn. Ngoài ra ông còn nuôi 100 con thỏ, kết hợp mô hình cấy 1 mẫu lúa với nuôi lươn, chạch, cá trê ta, chăn nuôi ngan, gà, vịt đẻ và thương phẩm. Bình quân chi phí vào thức ăn cho vật nuôi hiện nay là 1 triệu đồng/ngày. Sản phẩm có đến đâu các thương lái đến mua hết đến đó, do vậy ông không phải lo lắng nhiều về đầu ra cho. Từ mô hình trang trại tổng hợp, ông Thính đã có mức thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm, không chỉ nâng cao thu nhập, đời sống gia đình mà còn nuôi 3 con ăn học đại học. Mô hình của ông đã được các cấp hội khen thưởng, được huyện đánh giá cao.

Tuy nhiên để mô hình phát triển hơn nữa, ông Thính cũng như 14 hộ khác trong vùng chuyển đổi của xã Đông Sơn mong các cấp quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi có chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ông cũng như các hộ khác đã mạnh dạn chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi trồng tập trung. Tuy nhiên từ khi thực hiện chuyển đổi đến nay, vùng chuyển đổi vẫn chưa được các cấp đầu tư, nhất là hệ thống giao thông và điện.

Năm 2004 các hộ đã phải tự bỏ tiền để đổ bê tông tuyến đường dài gần 1km, rộng 1m với tổng kinh phí trên 70 triệu đồng trong vùng chuyển đổi. Hệ thống điện cũng chưa có trạm biến áp riêng, các hộ phải tự góp tiền và tự liên hệ với điện lực Đông Hưng để mắc nhờ qua một trạm biến thế. Theo ông Thính, Nhà nước nên đầu tư những cái nông dân cần, không nên lãng phí vốn, điển hình như năm 2001 tỉnh đầu tư xây dựng tại địa phương một trạm bơm hút, nhưng từ đó đến nay công trình này vẫn chưa một lần hoạt động.

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa