Thứ 7, 16/11/2024, 13:46[GMT+7]

Ngành công thương Dù khó vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Thứ 5, 05/07/2012 | 14:21:57
1,174 lượt xem
Mặc dù sản xuất CN- TTCN nửa đầu năm nay tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khiến không ít doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất nhưng ngành công thương vẫn quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của năm 2012 là 16,7%. Để làm được điều này thì ngoài sự nỗ lực hết mình của từng doanh nghiệp còn cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng đưa ra giải pháp kịp thời, sát hợp nhằm đồng hành và hỗ trợ các doanh nhân.

Công nhân Xí nghiệp dệt may Nam Thành “Cụm CN Phương La - Hưng Hà” phân loại sản phẩm khăn mặt xuất khẩu.Ảnh: THÀNH TÂM

Sáu tháng đầu năm 2012, tổng giá trị sản xuất CN- TTCN toàn tỉnh ước đạt 5.518 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm và tăng 7,26% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, ngay cả khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài những năm trước đều tăng trưởng ở mức 2 con số, thậm chí tăng gấp rưỡi, gấp đôi thì nay đều quay đầu về mức 1 con số và không vượt được mốc 8%. Trong số 32 sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có tới 8 sản phẩm bị sụt giảm sản xuất so với nửa đầu năm 2011 như: thuỷ sản giảm 3,06%, xơ polyester giảm 7,06%, gạch xây các loại giảm 3,32%, gạch ốp lát giảm 2,37%, xi măng các loại giảm 11,97%, khí đốt giảm 13,75%. Các sản phẩm còn lại tuy vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nhưng mức tăng thấp, chủ yếu từ 3- 5%.

Trong số hơn 3.300 doanh nghiệp, đến nay đã có hơn 100 doanh nghiệp phải dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Điển hình như Tiền Hải, tính đến 30/ 5/ 2012 chỉ có khoảng 23 doanh nghiệp tại KCN Tiền Hải hoạt động tốt, còn lại 51 doanh nghiệp khác đang phải hoạt động cầm chừng và 2 doanh nghiệp đã ngừng sản xuất. Với Hưng Hà, hàng năm các doanh nghiệp dệt và 12 làng nghề dệt trên địa bàn đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất CN- TTCN chung toàn huyện nhưng đến nay các doanh nghiệp sụt giảm khoảng 40- 50%, các làng nghề cũng giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, hiện nhiều doanh nghiệp đang phải áp dụng mức khoán trần 500 khăn/ máy/ ngày vì không xuất được hàng. Các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn huyện Thái Thuỵ cũng không tìm kiếm được hợp đồng đóng mới nào trong suốt nửa năm qua, giá trị sản xuất CN- TTCN của huyện chỉ tăng 3% so với cùng kỳ…Khu vực nghề và làng nghề cũng có hàng chục làng nghề đang rơi vào sụt giảm hoặc ngừng sản xuất.

Theo ông Vũ Ngọc Khiếu- Giám đốc Sở Công Thương thì những tháng còn lại của năm các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, lạm phát và lãi suất tín dụng trong nước còn đứng ở mức cao và chính sách thắt chặt chi tiêu công. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực như: Bước sang quý II đến nay sản xuất công nghiệp phục hồi khá, trong số 32 sản phẩm công nghiệp chủ lực vẫn có tới 24 sản phẩm tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011, một số sản phẩm đạt mức tăng khá cao như: giầy dép da tăng 22,31%, quần áo may sẵn tăng 8,53%, sợi bông tăng 25,08%, vải các loại tăng 28,78%, thép cán tăng 61,24%, nhôm thỏi tăng 43,52%, gốm- sứ dân dụng tăng 20,54%...

Bên cạnh đó lãi suất tín dụng gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt, các ngân hàng đang nới lỏng việc cho vay; tình hình lạm phát đã chững lại và giảm nhẹ giúp giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm sẽ có một số dự án hoàn thành đi vào hoạt động giúp làm tăng giá trị sản lượng chung toàn ngành…Chính vì vậy ngành công thương chủ trương không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2012 là 16,7%, phấn đấu giá trị sản xuất CN- TTCN 6 tháng cuối năm đạt hơn 8.000 tỷ đồng giúp đưa tổng giá trị sản xuất cả năm lên 13.627 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu trên thì ngoài sự nỗ lực của từng địa phương, doanh nghiệp, ngành công thương sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất hợp lý. Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để hưởng các hỗ trợ về miễn, giãn, giảm thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về khuyến khích ưu đãi đầu tư. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo lao động, tiếp cận nguồn vốn khuyến công, khuyến thương của Trung ương và của tỉnh. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Namon> triển khai các dự án công trình hạ tầng điện theo quy hoạch, kết hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án REII mở rộng nhằm nâng cao chất lượng nguồn điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, điều chỉnh mở rộng một số cụm, bổ sung lĩnh vực sản xuất cho một số cụm cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong việc thu hút dự án đầu tư mới và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đang triển khai xây dựng sớm đi vào hoạt động.

Ngoài ra, ngành sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn làm tốt công tác xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tiêu thụ bớt lượng hàng tồn kho. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt thời gian thực hiện, kết hợp giám sát bộ máy công chức để hạn chế việc gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

                          Vũ Mạnh 

  • Từ khóa