Thứ 7, 16/11/2024, 14:02[GMT+7]

Cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa

Thứ 5, 05/07/2012 | 15:20:32
1,595 lượt xem
Tính đến hết tháng 6/2012, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa xuân, nông dân rất phấn khởi trước một vụ bội thu. Ngay sau khi thu hoạch xong lúa xuân, nhiều địa phương đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ làm đất để gieo cấy trà sớm, phấn đấu bảo đảm đúng lịch thời vụ để sau thu hoạch có quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm.

Nông dân các địa phương trong tỉnh làm đất gieo cấy vụ mùa. Ảnh Thành Tâm

Tuy nhiên, còn một số địa phương làm đất còn chậm, nhất là các huyện phía Nam. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT, đến ngày 28/6/2012 toàn tỉnh đã làm đất được trên 40 nghìn ha, một số địa phương làm được nhiều như Quỳnh Phụ 11.000 ha/11.802 ha, Hưng Hà 6.800 ha/ 11.148 ha; làm đất chậm có Tiền Hải, được 2.500 ha/10 nghìn ha. Với tình hình làm đất như hiện nay, nếu các địa phương không đẩy nhanh tiến độ thì diện tích trà lúa sớm trên 25 nghìn ha đến ngày 5/7 phải cấy xong khó bảo đảm hoàn thành theo lịch thời vụ của tỉnh đã đề ra.

Theo kế hoạch của tỉnh, vụ mùa năm 2012 toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 82.500 ha; tỷ lệ trà lúa sớm bình quân chiếm từ 35 – 40% diện tích gieo cấy, sử dụng các giống như N87, N97, Bắc thơm, RVT, TBR3…thời gian gieo cấy xong trước ngày 5/7; trà đại trà từ 60 – 65% diện tích, cấy các giống BC15, ĐS1… cấy kết thúc trước ngày 25/7.  Để bảo đảm sản xuất vụ mùa theo đúng kế hoạch đã đề ra, ngay từ tháng 4/2012 tỉnh đã triển đề án sản xuất đến các huyện, thành phố về chủ trương, biện pháp, kỹ thuật… Đây là vụ được xác định sẽ gặp khó khăn ngay từ đầu, bởi lúa xuân thu hoạch muộn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 7 ngày, vì vậy tỉnh đã có các giải pháp khắc phục sớm nhằm bảo đảm giành thắng lợi về năng suất, chất lượng và sau thu hoạch đủ quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích mạ nền để tranh thủ thời vụ, quỹ đất, bằng việc gieo trên sân, đất vườn, trồng màu; gieo bằng mạ dược thì thu hoạch lúa xuân trước một góc ruộng để gieo.

Đồng thời, khi thu hoạch lúa xuân phải nhanh, gọn theo phương châm gặt đến đâu làm đất ngay tới đó và tăng cường sử dụng máy làm đất cỡ trung, cỡ lớn để cày lồng vùi rơm rạ. Song, trên thực tế một số địa phương thu hoạch lúa xuân xong vẫn để ruộng khô, không làm đất ngay, do đó việc bảo đảm đúng lịch thời vụ khó có thể thực hiện được. Bài học từ việc gieo cấy chậm thời vụ ở vụ mùa năm 2011 đã minh chứng khá rõ những tác hại về thời tiết, sâu bệnh làm giảm năng suất, chất lượng, đồng thời vụ đông cũng ảnh hưởng khá nặng nề. Do cấy muộn nên diện tích lúa trỗ từ 29/9 - 7/10/2011 đã bị ảnh hưởng của cơn bão số 5 và không khí lạnh dẫn đến lúa chín chậm, rầy phát sinh gây hại, hạt thóc đen, tỷ lệ lép cao, năng suất giảm 2,91 tạ/ha so với vụ mùa năm 2010; do thu hoạch lúa mùa muộn nên quỹ đất trồng cây vụ đông không đạt theo kế hoạch đã đề ra. Để bảo đảm gieo cấy lúa mùa năm 2012 theo đúng lịch thời vụ, bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Các địa phương cần giữ nước mặt ruộng, không để khô mất lấm; sau gặt lúa xuân phải làm đất vệ sinh đồng ruộng ngay; những diện tích gặt hớt ngọn để lại gốc cần cày lồng ngay để rơm rạ kịp phân hủy, tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa; trước khi lồng vùi cần bón 7 – 10kg vôi bột /sào, 5 – 7 kg lân/sào để tạo điều kiện cho vi khuẩn phân giải hữu cơ hoạt động sẽ góp phần làm mục rơm rạ nhanh. Những diện tích thu hoạch thủ công cần cắt sát gốc rạ và thu gom rơm rạ vào một góc ruộng, dùng chế phẩm Tricoderma, Bio plant để xử lý; toàn bộ diện tích sau lồng vùi rơm rạ cần giữ nước nông mặt ruộng để khi nắng nóng giúp gốc ra nhanh hoai mục. Bà Đoàn Thị Kim Tứ, Phó giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm – Khuyến nông  Khuyến ngư cho biết: Khi cày lồng vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chất xúc tiến phân hủy nhanh như Azotobacterin sẽ cải tạo được lý tính hóa của đất nhờ vào việc tích lũy và gia tăng hàm lượng hữu cơ, phân giải các chất xơ, làm đất tơi xốp, thoáng khí; đồng thời nâng cao chất lượng nông sản phẩm do các hoạt động của vi sinh vật góp phần giảm các độc tố, như N03…

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa, bà con nông dân cần chú ý sau khi cấy được 3 -5 ngày phải tập trung bón thúc, theo phương châm bón lót sâu, thúc sớm, cân đối NPK, không sử dụng phân đạm đơn (U rê); phối hợp sử dụng thêm các loại phân qua lá, vi lượng, phân hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, các địa phương cần theo dõi sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ ngay từ khi gieo mạ, như rầy nâu, rầy lưng trắng di trú; tuyệt đối không cấy mạ khi phát hiện có bệnh lùn sọc đen…

Hiện nay, một số địa phương thực hiện làm đất và gieo cấy khá tốt cơ bản đáp ứng được yêu cầu lịch thời vụ: Đến ngày 28/6, huyện Quỳnh Phụ cơ bản làm đất xong, gieo cấy được trên 2 nghìn ha; Thái Thụy làm đất 7 nghìn ha, gieo cấy 70 ha; Đông Hưng làm đất 6 nghìn ha, gieo cấy 50 ha… Song, bên cạnh đó một số huyện phía Nam làm đất rất chậm, vì vậy các cấp chính quyền cơ sở cần phải tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành bảo đảm lúa mùa gieo cấy đúng lịch thời vụ, góp phần để vụ mùa giành thắng lợi toàn diện và mở rộng được diện tích cây vụ đông ưa ấm.   

Nguyên Bình

  • Từ khóa