Thứ 7, 16/11/2024, 13:57[GMT+7]

Hồng Minh Trăn trở xây dựng cánh đồng mẫu

Thứ 6, 06/07/2012 | 15:11:35
1,280 lượt xem
Hồng Minh (Hưng Hà) là một trong 8 xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) nên thời gian qua nơi đây đã nỗ lực phấn đấu để sớm hoàn thành các tiêu chí NTM; trong đó sản xuất phát triển là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện xong.

Cây đậu tương vụ hè được phủ kín trên vùng đất bãi rộng 78,6 ha ở Hồng Minh.

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã có kết luận về việc triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu ở các huyện, thành phố, trong đó có Hồng Minh, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng được nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là chủ trương đúng, trúng, song qua tìm hiểu thực tế tại Hồng Minh thì việc xây dựng cánh đồng mẫu đạt được các tiêu chí đề ra không đơn giản chút nào. Bởi đa phần các hộ dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, không cùng giống, cùng trà…do đó bài toán đặt ra là đưa cây gì vào để nâng cao giá trị thu nhập, kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư liên kết với nông dân…đang là vấn đề trăn trở ở Hồng Minh hiện nay.

Ông Phạm Hồng Khanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng cánh đồng mẫu, Hồng Minh đã lựa chọn vùng đất bãi rộng 78,6 ha để triển khai thực hiện; Tuy nhiên, bắt tay vào thực hiện cánh đồng mẫu nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là hệ thống giao thông, thủy lợi gần như chưa có gì; cả vùng đang dùng chung 1 trạm bơm với các vùng khác; tập quán canh tác của bà con vẫn theo nếp cũ…Qua tìm hiểu, quan sát thực tế của chúng tôi, hiện trạng cả vùng này không có hệ thống kênh mương tưới, tiêu, chỉ có một số rãnh nước sâu chưa đến 50 cm, rộng khoảng 60 cm;  nhìn chung nông dân sản sản xuất ở vùng này đều phải  phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Đồng thời, với giá trị thu nhập hiện nay thì cánh đồng ở đây còn cách xa so với tiêu chí của cánh đồng mẫu. Ông Vũ Hữu Hỷ, Chủ nhiệm HTXDVNN cho biết, vùng đất bãi được quy hoạch để xây dựng cánh đồng mẫu hiện đang sản xuất 3 vụ/ năm, gồm: Vụ ngô xuân+ đậu tương hè thu+ ngô thu đông; hai vụ ngô giá trị đạt khoảng 2,8 triệu đồng/ sào, vụ đậu tương đạt trên 500 nghìn đồng/ sào. Như vậy, cả 3 vụ trong năm giá trị mới đạt khoảng  86 triệu đồng/ ha/năm; trong khí đó cánh đầu mẫu đối với trồng màu yêu cầu phải đạt từ 220 triệu đồng/ ha/ năm trở lên.

Ngay cả khi chúng tôi hỏi xây dựng cánh đồng mẫu thì xã có dự kiến đưa công thức luân canh ra sao, trồng cây gì, cán bộ xã cũng chưa xác định được sẽ bố trí sản xuất như thế nào để đạt giá trị thu nhập như tiêu chí đã đề ra. Cũng theo ông Hỷ, mới đây cán bộ của Sở Nông nghiệp & PTNT có về khảo sát diện tích xây dựng cánh đồng mẫu và có trao đổi với địa phương là vận động vài doanh nghiệp xuống liên kết, đầu tư với bà con nông dân trồng ngô, khoai tây giống. Tuy nhiên, hiện chưa thấy cá nhân, doanh nghiệp nào về khảo sát, bàn bạc với địa phương về xây dựng cánh đồng mẫu, cũng như chủ trương đầu tư. Mặc dù vùng đất bãi này “thẳng cánh cò bay”, nhưng quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ lẻ, có tới 5 thôn sản xuất khoảng 20 hộ/ ha, vì vậy rất khó đạt được sự đồng thuận cao, cũng như quy trình canh tác, quản lý chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm của bà con làm ra chủ yếu để phục vụ chăn nuôi là chính, hộ nào không có nhu cầu dùng mới bán đi và thị trường, giá cả đều do tư thương quyết định.

Đồng thời hiện nay chưa có những chế tài đối với nông dân khi phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp, thực tế điều này đã chứng minh ở nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; một số doanh nghiệp khi đầu tư giống, phân bón…nhưng không thể thu mua được sản phẩm theo hợp đồng, do sự tranh giành của các tư thương, nhất là khi giá thu mua của doanh nghiệp thấp hơn so với thị trường, nông dân thấy lời trước mắt là bán luôn cho tư thương…

Những trăn trở về khó khăn xây dựng cánh đồng mẫu ở Hồng Minh là một thực tế hiện nay, nhưng không hẳn vì thế mà không làm được, điều quan trọng hơn cả đó là giải pháp, sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt của chính quyền địa phương và bà con nông dân. Điều này cũng đã được minh chứng ngay tại vùng đất để xây dựng cánh đồng mẫu của Hồng Minh về mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Ngay sau khi Hồng Minh thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa đã xuất hiện một hình thức mới về sản xuất hàng hóa quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Bùi Quốc Sự, thôn Minh Xuyên, người đã đi tiên phong về việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa, bằng việc thuê lại ruộng của các hộ dân, với diện tích trên 6 ha để trồng ớt. Như ở trên đã tính, một năm các hộ dân thu hoạch 2 vụ ngô, 1 vụ đậu tương chỉ được khoảng trên 3 triệu đồng/sào/năm (chưa trừ chi phí); nhưng với cách làm của ông Sự, người dân không những có khoản thu ổn định trên mảnh ruộng của mình mà còn có thêm thu nhập từ việc làm công và không phải trăn trở suy nghĩ về đầu ra sản phẩm, rủi ro trong sản xuất. Ngay ở vụ đầu, trừ mọi chi phí ông Sự lãi được gần 4 triệu đồng/sào/ năm, các hộ dân vẫn có thu nhập tương ứng với số tiền khi còn đứng ra sản xuất, đồng thời có thêm việc làm với mức công 60 nghìn đồng/ ngày.

Đồng thời, Hồng Minh hiện đã quy hoạch xong chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng gắn với các vùng sản xuất hàng hóa là lợi thế khá lớn khi xây dựng cánh đồng mẫu. Tại vùng đất bãi được chọn làm cánh đồng mẫu vừa mới được đầu tư xây dựng 2 trục đường trải đá láng nhựa dài trên 1km/ đường, đáp ứng được việc đưa máy móc vào sản xuất; ngoài ra Hồng Minh mới có quyết định phân bổ trên 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho cánh đồng mẫu…

Mặc dù mô hình tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất hàng hóa của ông Sự mới chỉ là manh nha của cánh đồng mẫu, nhưng dù sao đây cũng là nền tảng và chứng minh được một điều là muốn nâng cao giá trị đơn vị diện tích canh tác hay không chính là cách làm, nhận thức của mỗi hộ nông dân về một chủ trương mới. Để xây dựng được cánh đồng mẫu, Hồng Minh nhất thiết phải có được sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà: Doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông trong chuỗi sản xuất.

          Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa