Thứ 5, 14/11/2024, 10:57[GMT+7]

Bệnh "nhồi kiến thức"

Thứ 5, 26/08/2010 | 14:49:13
933 lượt xem
Mấy năm trước nhìn trên Ti vi thấy nhiều cháu vị thành niên mắc căn bệnh "rã cánh" nghĩ mà thương. Đôi vai bé bỏng đáng yêu tự nhiên trễ xuống rã ra có nguy cơ đưa đến tàn phế suốt đời. May sao các nhà y học đã kịp thời vào cuộc tìm được cách chặn đứng căn bệnh tự phát này.

Ảnh minh họa

Chỉ một thời gian ngắn bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp trị liệu, tất cả bệnh nhân nhí đã hồi phục hình thể, hồi phục sức khoẻ hoà nhập cộng đồng một cách nhanh chóng. Thấy căn bệnh lạ đe doạ số phận trẻ nhỏ được kịp thời khống chế ai cũng hể hả mừng vui. Niềm vui chưa được bao lâu giờ đây lại một bệnh đặc biệt lạ đang ập lên đầu trẻ con.

Lạ bởi không do vi trùng, vi rút mà lại có nguồn gốc từ... người lớn. Lạ hơn nữa là, người lớn cố tình bắt chước nhau để... phát tán tật bệnh. Căn bệnh chưa được ghi tên trong "y thư" Đông, Tây, Kim, Cổ nên tạm đặt cho nó biệt danh: "nhồi kiến thức". Ai từng chứng kiến các bà buôn nhồi cám nhồi ngô vào diều chú gà nhằm "tăng trọng lượng" như thế nào thì "nhồi kiến thức" cũng nên hiểu na ná vậy.

Khác chăng chỉ là, nhồi thức ăn làm bao tử các chú gà căng hết cỡ còn "nhồi kiến thức" lại khiến cái đầu non nớt của trẻ nhỏ lúc nào cũng như muốn vỡ bung ra. Chịu đứng ở cồng trường nhìn các cháu 6 tuổi gắng gượng cõng trên lưng chiếc cặp sách to bự nặng dễ bằng nửa trọng lượng cơ thể hẳn ai cũng phải rùng mình ái ngại.

Sách vở nhiều thế này, nặng thế này lại đặt vào đôi vai, đặt trên tấm lưng mảnh dẻ làm ta nhớ ngay đến chiếc ba lô con cóc vạn năng mà ông bà chúng từng đeo giữa thời vượt Trường Sơn đánh Mỹ. Thấy các cháu "gùi sách" è cả vai, bụng nghĩ dại: Không khéo căn bệnh "rã cánh" lại tái phát trong học sinh lớp 1 cho mà xem.

Trẻ lớp 1 "bám trụ" tại lớp bán trú đẫy hai buổi đã mệt lử vậy mà vừa ăn tối xong liền được "động viên" chúi mũi vào sách vở cho đến tận khuya. Người lớn dù lao động chân tay hay trí óc đều giới hạn trong phạm vi 8 tiếng một ngày. Mới ở tuổi đầu đời đã phải đánh vật với tri thức liên tục mười mấy tiếng, khoa học hay phản khoa học? "Bội thực" kiến thức sách giáo khoa có vẻ chưa đáng gọi là nặng, các bậc phụ huynh còn lợi dụng tận kiệt ngày chủ nhật, ngày lễ cùng thời gian nghỉ hè ép con tham dự đủ mọi chương trình bồi dưỡng "năng khiếu".

Bây giờ khắp các lĩnh vực như bóng đá, phim ảnh, ca nhạc, người mẫu... chỗ nào cũng thấy quảng cáo, vinh danh ngôi sao nọ ngôi sao kia thành ra ai cũng nóng lòng muốn con mình biến thành "thần đồng" càng nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Một số "đại gia” cứ hăm hở vung tiền làm "đầu vào" để kỳ vọng "đầu ra" là kiến thức siêu phàm của trẻ nhỏ.

Rồi còn chuyện "cưỡng chế hiếu học" hướng này mới đáng báo động: ở tuổi mẫu giáo lớn chỉ cần dạy các cháu nhận mặt chữ số thế là đủ. Khoa học kết luận như vậy, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng quy định như vậy, ấy là luật. Oái oăm thay cả thiên hạ cứ thích làm ngược lại, cứ âm ỉ dấy lên cuộc "chạy đua trí tuệ" ngấm ngầm cực kỳ vô lý.

Ai cũng tuỳ tiện dạy trẻ đánh vần, ghép chữ rồi cộng, trừ, nhân, chia... cũng phải thừa nhận, nhiều cháu mẫu giáo sáng dạ đọc khá thông, viết khá thạo lại còn bập bẹ những câu tiếng anh nữa chứ... Thấy trẻ mới 5 tuổi mà đã "xuất chúng" đón đầu tri thức, các đáng sinh thành được dịp quảng bá khắp xóm, khắp làng.

Vậy là ai nấy mượn cớ đua nhau "nhồi kiến thức" cho các cháu ngay từ khi mới chớm... tuổi mặc quần. Họ đâu biết rằng ý tưởng dạy chữ cho trẻ mẫu giáo, ép các cháu sớm "nổi tiếng" chỉ đáng gọi là công đoạn "cầm đèn chạy trước ô tô" rất phản khoa học. Lý do ấy à?

Thứ nhất, ngoài đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, bất kỳ người nào nếu không có phương pháp sư phạm tốt cũng không đủ trình độ dạy các cháu đầu tuổi học.

Thứ hai, thực tế đã thấy số ít cháu lớp 1 do sẵn kiến thức "học trước" nên rất dễ sinh chủ quan lơ lờ. Sang kỳ 2 "vốn" đã cạn, kết quả học tập sút kém dẫn đến chán nản chây lười... nhìn cảnh "nhồi kiến thức" ngay ở bậc mẫu giáo, ở lớp 1 có người nói vui: "cứ tình trạng như hiện nay, trẻ con Việt Nam rất dễ biến thành thứ "Rô bốt chữ" rất khô khan cho mà xem!"


Trước đây không lâu từng thấy cả nước dấy lên phong trào lên án bệnh thành tích trong ngành Giáo dục. Giờ đây hiện tượng "nhồi kiến thức" đối với trẻ đầu đời cũng phải xác định đích danh là một căn bệnh. Các cháu đủ 6 tuổi phải được vào lớp 1 ấy là điều hiển nhiên nhưng cứ thấy chỗ này chỗ kia vẫn tổ chức "thi tuyển".

Rất nhiều bậc phụ huynh thời nay hăng hái tận dụng vốn chữ nghĩa của mình để... dạy "đón đầu" cho các cháu đang tuổi mẫu giáo... Đó chính là những hiện tượng bất bình thường dẫn đến căn bệnh "nhồi kiến thức" đang lan tràn.


Cần hiểu rằng, "nhồi kiến thức" cho trẻ nhỏ là "bệnh thành tích" dưới một dạng rất mới trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Bắt mạch để chẩn trị nhưng xem ra "nan y" lắm vì căn bệnh đang có nguy cơ "xã hội hoá". Cứ nghĩ, dẫu nan y đến đâu cũng cứ phải ra tay mà chống xin đừng lơ là, đừng buông xuôi!

Hoàng Ngọc Khuyến

Khu 3 thị trấn Diêm Điền - Thái Thụy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày