Thứ 7, 16/11/2024, 20:00[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam

Thứ 6, 20/08/2010 | 13:51:55
6,260 lượt xem
Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc ta đã hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc rực rỡ, mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng đồng, đại đoàn kết dân tộc để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Chính nền văn hóa ấy cùng những ảnh hưởng tích cực của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần to lớn vào sự hình thành và phát triển tư tưởng của Người.

Nhân dân Thái Bình vui đón Bác (26/03/1963).

Chứng kiến những thất bại đau đớn của các vị yêu nước tiền bối, cảnh nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách thực dân tàn bạo, Người thanh niên ưu tú của dân tộc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Khát vọng dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người Việt Nam đầu tiên vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng, sáng lập, tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đáp lời kêu gọi của Người, cả dân tộc ta, triệu người như một đã tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc hung bạo nhất, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng Mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đảng ta đã khởi xướng, lãnh đạo thành công và ngày càng  hoàn thiện đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới trong gần 25 năm qua, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Người hằng mong ước.

Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá được đẩy mạnh. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Những thành tựu lớn lao đó tạo tiền đề để chúng ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 80 năm qua, kể từ Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, chúng ta càng tự hào vì mỗi chiến công, mỗi thành tựu mà Đảng ta và nhân dân ta giành được đều bắt nguồn từ công lao trời biển và gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trước mỗi khó khăn, thách thức, Đảng ta, nhân dân ta lại tìm thấy trong di sản tinh thần vô giá do Người để lại, đó là những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại.

Văn thơ chữ Hán của Người đạt đến trình độ của bậc Hán học. Người tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo... kế thừa truyền thống văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác – Lênin trên một loạt vấn đề phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa, Người chỉ rõ: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, đã trở thành văn hóa dân tộc. Sự đóng góp của Hồ Chí Minh về văn hoáhông chỉ ở phương diện lý luận mà còn thắm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Cái cốt lõi trong tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong hội thảo quốc tế, kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO đã khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó.

Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng, để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. Có thể nói, hình ảnh “anh hùng giải phóng dân tộc” và “danh nhân văn hoá” đã hoà quyện tạo nên một nét riêng độc đáo ở Hồ Chí Minh không chỉ là trong quá khứ, mà đang sống ở hiện tại và sẽ tiếp tục toả sáng trong nền văn hoá tương lai.

Người đã để lại không chỉ cho nhân dân Việt Nam, còn để lại cho nhân loại một di sản tư tưởng văn hoá vô giá, có giá trị bền vững, như Nghị quyết khoá họp lần thứ 24 của tổ chức UNESCO đã nêu rõ: “... Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau...”.

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và nhân loại tiến bộ, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”.

Hơn 40 năm về trước, khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc với muôn vàn tình thương yêu và những lời căn dặn rất đỗi ân tình và sâu sắc. Bốn thập kỷ thực hiện Di chúc của Người, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào và càng thấm thía sâu sắc những điều Người căn dặn chúng ta: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 20 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”, phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc qua gần 25 năm đổi mới, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đang đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta tận dụng, nắm bắt thời cơ ngay trong khó khăn, thách thức, nhằm tạo nên sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn dân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguyễn Thanh Hoàng

 

  • Từ khóa