Thứ 7, 16/11/2024, 06:26[GMT+7]

Cô chủ đứng lên từ đôi chân yếu

Thứ 5, 16/09/2010 | 10:43:35
905 lượt xem
Nhìn cửa hàng đồ trang sức số 27 phố Trần Hưng Đạo – phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình luôn tấp nập khách ra vào, ít ai có thể ngờ rằng chủ của cửa hàng đó lại chính là một cô gái tật nguyền.

Chị Hồng tư vấn cho khách tại cửa hàng

Vươn lên bằng đôi tay khéo

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Phạm Thị Thái Hồng (SN 1980) là sự tươi vui, chính thế mà ít ai biết được chị đã phải âm thầm nén bao buồn tủi cho số phận tật nguyền của mình.

Hồng kể: đôi chân bị tật nguyền từ nhỏ, gia đình cũng đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Tuổi thơ của Hồng nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng vui đùa, chạy nhảy khắp nơi, trong tâm hồn của cô bé luôn cháy bỏng một niềm ước ao, làm thế nào mình có thể được như các bạn. Ước mơ giản dị kia không bao giờ có được với Hồng, ngoài buổi đến trường, trở về nhà Hồng chỉ biết làm bạn với sách vở, những con gấu bông, con hạc giấy…

Nghĩ thương mẹ cha vất vả, lo âu, thương cho cả bản thân mình nên Hồng đã cố gắng học thật tốt để làm nguồn động viên an ủi cho gia đình. 12 năm học Hồng đều đạt học sinh giỏi và thi đỗ vào trường ĐH Luật Hà Nội (năm 1998). Nhưng rồi ước mong ngồi trên giảng đường ĐH của Hồng đành phải bỏ lại, bởi những khó khăn gấp bội khi xa nhà mà chị lại không muốn trở thành gánh nặng của gia đình.

Từ bỏ ước mơ nhưng không có nghĩa là đầu hàng số phận, Hồng quyết định lập nghiệp ngay chính tại ngôi nhà thân yêu của mình. Ban đầu chị tự học để làm những hộp đựng quà lưu niệm, cắt những mẫu giấy gói, làm đồ thủ công cho các cửa hàng trong thành phố.

Nhận thấy mặt hàng đồ trang sức ngày càng thịnh hành, Hồng quyết định bỏ thời gian ra tìm hiểu, nghiên cứu. Đi tham khảo tại các cửa hàng ở những thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, rồi truy cập trên Internet, nhờ bạn bè tìm mua những cuốn sách dạy làm đồ trang sức, rồi tự mình tỉ mỉ, kiên trì tập làm. Đến năm 2005 Hồng quyết định mở cửa hàng bán đồ trang sức tại nhà.

Sau một thời gian cửa hàng của chị đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Bởi tại đây luôn có nhiều mẫu mã mới, chủng loại hàng cũng đa dạng từ bình dân đến sang trọng. “Cái quan trọng của nghề này là nghiên cứu sáng tạo ra các mẫu mới. Nhiều đêm em thức làm việc đến sáng để tìm tòi. Bên cạnh đó còn phải biết làm theo các mẫu sở thích riêng của khách hàng” - Hồng cho hay.

Mỗi năm, trừ chi phí, cửa hàng của chị thu được từ 50 đến 60 triệu đồng. Hiện nơi đây đang có 3 người cùng cảnh khuyết tật đến làm, thu nhập bình quân từ 1,3 đến 1,6 triệu đồng/tháng. Những năm qua, chị cũng đã dạy nghề và tư vấn cho hàng chục người khuyết tật khác ở các vùng quê Thái Bình để họ tự mở cửa hàng riêng.

Mong được chia sẻ nhiều hơn

Tham gia hoạt động, đồng thời là chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật, chị luôn tâm niệm, làm sao có thể chia sẻ, giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ hơn. Thế nên hằng ngày chị luôn giành thời gian truy cập Internet tìm kiếm thông tin về các dự án của các tổ chức hỗ trợ cho người khuyết tật trong nước và thế giới. Nhưng khi tìm thấy dự án để có được sự hỗ trợ của các tổ chức như Ngân hàng thế giới, CLB khuyết tật phải đưa ra được bản thuyết trình.

Nhờ khả năng tiếng Anh tốt, sự tự mần mò đọc thêm sách, đi hỏi thêm những người xung quanh nên các bản thuyết trình của chị đều đem lại hiệu quả. “Mỗi lần làm việc về dự án là rất vất vả, tốn rất nhiều thời gian công sức, nhưng hạnh phúc lại được nhân lên khi mình mang niềm vui về cho CLB.” Chị Hồng tâm sự. Thời gian qua CLB thanh niên khuyết tật Thái Bình do Hồng làm chủ đã nhận được nhiều dự án hỗ trợ cả trong và ngoài nước. Năm 2004, Ngân hàng thế giới hỗ trợ 10.000USD, cho chương trình lớp học về sức khỏe sinh sản. Có 8 lớp học, mỗi lớp 40 người được tổ chức và thêm khóa đào tạo giáo viên cho 15 người.

Năm 2009, dự án hỗ trợ của cựu chiến binh Mỹ cho phát triển các nhóm tự lực của người khuyết tật, kinh phí 120 triệu đồng. Hiện nay CLB thanh niên khuyết tật Thái Bình có 60 thành viên (gồm ở thành phố, huyện Hưng Hà, Tiền Hải, Thái Thuy, Đông Hưng) tham gia sinh hoạt. Hàng tháng CLB sinh hoạt một lần, là cơ hội để những người có cùng hoàn cảnh gặp gỡ trao đổi, chia sẻ về tâm tư tình cảm, công việc và cuộc sống gia đình, cũng như cùng nhau tham gia các hoạt động xã hội khác. Trong buổi sinh hoạt đó người thủ lĩnh CLB của họ lại mang những thông tin tuyển dụng lao động mà chị đã liên hệ được từ các tổ chức, xí nghiệp ra thông báo.

Tính đến nay đã có hơn 70% số người trong CLB có được việc làm phù hợp. “Số lượng người tham gia CLB so với thực tiễn vẫn còn ít, chúng tôi dự định sẽ phát triển hoạt động ra rộng hơn để nối được vòng tay đến nhiều số phận khác”. Hồng chia sẻ. Với những đóng góp của mình, năm 2009 chị đã vinh dự được nhận bằng khen của TƯ Đoàn trao tặng.

Theo baolaodong

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày