Cánh én mùa xuân
Ðôi chân không lành lặn, phải đi lại bằng xe lăn nhưng chưa khi nào khó khăn ấy khiến cô gái nhỏ Phạm Thị Ngát (sinh năm 1988, quê xã Minh Khai, Vũ Thư) nản lòng trong cuộc sống. Tuổi thơ của Ngát không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Hơn 1 tuổi, cô con gái cưng của gia đình bị sốt bại liệt, từ đó mất khả năng đi lại.
Hằng ngày, nhìn các bạn được đi học và cắp sách đến trường, rất thích thú và ao ước nhưng Ngát cũng đành phải bỏ lại ước mơ dang dở sau khi học xong THCS vì nhà xa trường và thương ba mẹ phải suốt ngày lo lắng, làm lụng vất vả để nuôi các con ăn học. Mọi hoạt động đều gắn với chiếc xe lăn khiến cho Ngát cảm thấy tủi thân. Rồi chị mạnh dạn xin bố mẹ đi học lớp tin học văn phòng để mở quán photocopy, đánh máy tính, trước là phụ giúp kinh tế gia đình, sau là tìm lại niềm tin cho bản thân qua những tấm gương vươn lên trong cuộc sống.
Khi được hỏi mối cơ duyên nào để Ngát gắn bó với Câu lạc bộ “Vòng tay thân ái”, đôi mắt sáng ánh lên niềm vui, Ngát tâm sự: năm 2008, Ngát được các anh chị tình nguyện viên trong Câu lạc bộ tới thăm và động viên. Từ câu chuyện của những người bạn, người anh, người chị đã làm ấm lòng cô gái trẻ, giúp cô cảm thấy vui và mở lòng hơn.
Từ tháng 10/2008, Ngát trở thành tình nguyện viên của Câu lạc bộ, thường xuyên lên mạng tìm kiếm chương trình, mô hình hoạt động hay, kết nối các bạn làm tình nguyện với nhau. Sau chuyến thăm Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn, thấu hiểu sự cô đơn, thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần của các bệnh nhân nơi đây, Ngát thấy khó khăn của bản thân chẳng thấm gì so với họ. Nơi ấy có những bạn trẻ khuyết tật, em nhỏ khát khao được đến trường nhưng đứng trước nguy cơ bỏ học chỉ vì nhà quá nghèo khó.
Có nhiều ý tưởng mới, táo bạo trong tổ chức các hoạt động tình nguyện, chỉ sau hơn một năm gia nhập, đến năm 2009, được sự tin tưởng của thành viên Câu lạc bộ, Phạm Thị Ngát được bầu làm chủ nhiệm và đã tổ chức rất nhiều chương trình có ý nghĩa từ đó đến nay. Câu lạc bộ “Vòng tay thân ái” của Phạm Thị Ngát phối hợp cùng hàng chục đội, nhóm tình nguyện ở các tỉnh, thành phố như: Ước mơ xanh Hà Nội, Ước mơ xanh Nam Ðịnh, Tuổi trẻ xanh, C4E Thái Bình… tổ chức các chương trình tặng quà hỗ trợ, giao lưu văn hóa văn nghệ, tết yêu thương mang tiếng cười đến với bệnh nhân tại Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn; định kỳ hằng tháng diệt muỗi, dọn dẹp phòng ở, trò chuyện với bệnh nhân.
Ngay tại Thành phố Thái Bình, Ngát đứng ra mở lớp dạy học văn hóa cho trẻ em tại Hội Người mù tỉnh. Lớp học duy trì đều đặn 3 buổi mỗi tuần giúp hàng chục trẻ em khuyết tật củng cố kiến thức, kỹ năng hòa nhập cuộc sống. Có dịp đi thực tế ở nhiều vùng nông thôn, Ngát trăn trở khi nhiều trẻ em rất thích đọc sách nhưng gia đình khó khăn không thể đáp ứng. Sau nhiều năm ấp ủ, tháng 6/2013, dự án “Không gian đọc thôn Nội” (thư viện miễn phí đầu tiên) ra đời tại thôn Nội (xã Minh Khai, Vũ Thư).
Sau một thời gian ngắn, thư viện đã có 150 đầu sách về giáo dục, 55 đầu truyện tranh…, mở cửa các ngày trong tuần phục vụ nhu cầu mượn, đọc của độc giả trong xã và một số xã lân cận. Mới đây nhất, ngày 1/12, Câu lạc bộ “Vòng tay thân ái” cùng với gần 20 câu lạc bộ tình nguyện ở Thái Bình, Hà Nội đã tổ chức chương trình “Hành trình kết nối trái tim năm 2013”, trao 500 cuốn vở mới và sách giáo khoa cho các em học sinh nghèo học giỏi tại bệnh viện, 30 chiếc áo ấm mới cùng khăn len và bao tay ấm cho các cụ cao tuổi của Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn, tham gia giao lưu nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế tình nguyện 5/12…
Ðó mới chỉ là số ít trong rất nhiều chương trình mang lại hiệu quả thiết thực của “thủ lĩnh xe lăn” và Câu lạc bộ “Vòng tay thân ái”. Trò chuyện với chúng tôi sau khi kết thúc chương trình “Hành trình kết nối trái tim”, chuẩn bị đi nhận “Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013”, Phạm Thị Ngát tâm sự: Cuộc sống của người khuyết tật luôn thiếu vắng tiếng cười bởi nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Họ rất cần sự hỗ trợ của xã hội thông qua các hoạt động tình nguyện để vững tin vươn lên trong cuộc sống.
Với những hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn, Ngát và Câu lạc bộ “Vòng tay thân ái” nhận được nhiều sự ghi nhận, khen thưởng của các cấp, các ngành. Ðặc biệt, trong năm 2013, Phạm Thị Ngát là 1 trong 5 cá nhân được nhận “Giải thưởng Tình nguyện Chim én 2013” do Tập đoàn FPT trao tặng, đồng thời cũng là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu nhận “Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2013” do Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) tổ chức. Ngát chia sẻ về cảm xúc khi nhận được giải thưởng: Nếu không có sự đoàn kết, giúp đỡ của tập thể, của các thành viên trong Câu lạc bộ thì Ngát hay bất cứ bạn trẻ nào cũng khó có thể đạt được những thành công lớn, như lời một bài hát mà Phạm Thị Ngát lấy làm phương châm hành động “Một cánh én không thể làm nên mùa xuân”.
Phương Chi
Tin cùng chuyên mục
- Người xin việc thật thà 13.06.2024 | 08:58 AM
- Bí quyết giàu nhanh của đàn ông 13.06.2024 | 08:48 AM
- Năm Tân Sửu tìm hiểu những loài trâu quý hiếm 15.02.2021 | 08:00 AM
- Tìm vợ 24.03.2020 | 16:05 PM
- Hổ phụ sinh hổ tử 13.01.2020 | 17:42 PM
- Cô giáo mừng vì trò là con một 09.01.2020 | 10:01 AM
- Chàng trai gặp họa vì được tâng bốc 06.01.2020 | 15:28 PM
- Được rồi, để anh lo! 03.01.2020 | 10:40 AM
- Sửa di chúc 3 lần nhờ bác sĩ 01.01.2020 | 09:19 AM
- Một câu chuyện trong ngày mà em thích 31.12.2019 | 10:08 AM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương