Thứ 7, 23/11/2024, 18:20[GMT+7]

Nghệ sĩ nhân dân Lý Mầm trọn đời với chèo

Thứ 4, 21/09/2016 | 09:09:34
2,538 lượt xem
Sinh ra và lớn lên ở làng chèo Sáo Đền, một trong ba làng chèo cổ nổi tiếng của Thái Bình cùng với đam mê và năng khiếu trời phú, Nguyễn Mầm (Lý Mầm) trở thành một trong những nghệ nhân tài ba của nghệ thuật chèo cả nước. Đã trở về cát bụi hơn 40 năm nhưng những nhân vật trong mỗi tích trò mà nghệ sĩ nhân dân Lý Mầm hóa thân thì vẫn còn sống mãi trong lòng người xem.

Nghệ sĩ Lý Mầm (bên phải) vai Cả Sứt trong vở chèo “Súy Vân giả dại”.

 

Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Mão, con gái cụ Lý Mầm. Có lẽ cái chất chèo đã ngấm vào dòng máu nên mặc dù không theo nghiệp cha và cũng ở tuổi ngoài 70 nhưng bà Mão vẫn say chèo, vẫn “thả” những điệu chèo “ngọt lịm”. Nhắc đến cha, bà Mão khá xúc động nhưng ánh mắt chan chứa niềm tự hào. Bà kể: Nghệ nhân Nguyễn Mầm sinh năm 1897 trong gia đình nhà nho nghèo ở tổng An Lão xưa (nay là xã Song An, huyện Vũ Thư). Ngày nhỏ, vì gia cảnh quá nghèo khó, Nguyễn Mầm phải đi ở cho gia đình một người chú họ ở cùng làng. Ở đất chèo, giống như nhiều người cùng thời, người chú họ rất say mê và biết hát chèo nên đã dạy cho cháu nhiều làn điệu chèo. Dần dần, cậu bé Mầm bị chèo cuốn hút đến quên ăn quên ngủ. Cậu hát chèo và diễn chèo tự nhiên, hấp dẫn đến độ người xem như bị “bắt” mất hồn, không dứt ra được. Sau này, khi trưởng thành, phần vì mưu sinh, phần để cho thỏa đam mê hát chèo, Nguyễn Mầm tham gia gánh chèo Sáo Đền cùng mọi người rong ruổi diễn chèo khắp nơi, xưng danh Lý Mầm.

 

Chất giọng của Lý Mầm không hẳn “đẹp” bởi nó hơi khàn, đục, thế nhưng nhờ kỹ thuật điêu luyện, biết luyến láy, sáng tạo đổi tông giọng nên mỗi khi ông cất lời hát một làn điệu chèo thì ai cũng đều mê mẩn. Diễn được ở hầu khắp các vai nhưng Lý Mầm yêu thích và thành công nhất ở các vai hề chèo nhằm phê phán những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến. Vai diễn nào cũng được ông chuẩn bị chau chuốt, cẩn thận khâu hóa trang, trang phục giống và hài tới mức chỉ cần “thằng hề” do Lý Mầm thủ vai bước vào chiếu diễn thì khán giả đã cười nghiêng cười ngả. Ở ngoài đời, Lý Mầm hiền lành, chân chất bao nhiêu thì khi diễn lại nhập vai, chân thực, sinh động bấy nhiêu, tạo ra hình ảnh những anh hề “nỏ miệng”, láu cá như Cu Sứt, hề, thầy đồ điếc ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người yêu chèo. Lối diễn xuất tài ba, nổi tiếng khắp vùng nên khi Đội văn công nhân dân tỉnh (tiền thân của Nhà hát chèo Thái Bình ngày nay) được thành lập, ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được mời về nhằm khôi phục nghệ thuật chèo ở quê hương. Từ năm 1959, ông công tác tại Đoàn chèo trung ương (nay là Nhà hát chèo trung ương) vừa trực tiếp truyền nghề cho lớp trẻ vừa nghiên cứu, ghi chép lại các tích trò để đóng góp vào quá trình khai thác và phục hồi vốn cổ nghệ thuật chèo. Các lớp học trò của ông như Văn Mởn, Mạnh Tường… sau này đều trở thành những nghệ sĩ tài năng của sân khấu chèo.

 

Say sưa cống hiến những tích chèo hay phục vụ khán giả khắp miền nhưng cuộc sống của nghệ sĩ Lý Mầm rất nghèo. Dù đã là nghệ nhân chèo tên tuổi thời đó, nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ thế nhưng nghiệp diễn không đủ nuôi thân, vợ con ông ở nhà tự rau cháo nuôi nhau. Nghèo khổ, bữa đói bữa no nhưng do chèo đã ngấm vào máu nên Lý Mầm vẫn rong ruổi khắp nơi, tìm đến những chiếu chèo phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Cả đời bận bịu với nghiệp, dù rất muốn truyền nghề cho hai cô con gái nhưng ông cũng không có thời gian để thực hiện. Năm 1967, chiến tranh ác liệt, sức cũng đã yếu, ông về nghỉ chế độ ở quê hương Sáo Đền. Đau đáu nỗi lo mai một nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương, Lý Mầm tích cực vận động con cháu, nhân dân đến để ông truyền nghề. Ban ngày mọi người còn bận lao động sản xuất, buổi tối nghệ sĩ Lý Mầm lại đun sẵn một ấm nước chè tươi rồi chong đèn ngồi đợi mọi người đến để ông truyền dạy cách hát, cách diễn các ngón nghề chèo. Cái sân nhỏ cạnh hai gian nhà đất của ông ngày ấy thường rộn vang tiếng trống, phách, làn điệu chèo mượt mà đằm thắm.

 

Bà Nguyễn Thị Mão kể lại, một tuần liền trước khi mất, ông hát chèo suốt ngày đêm. Hơi thở quý giá cuối cùng của mình ông cũng dành trọn cho chèo… Gần 30 năm sau ngày mất, năm 1997, nghệ sĩ Lý Mầm được Nhà nước truy tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, ghi nhận công lao, đóng góp của ông cho nghệ thuật chèo. Còn một sự khắc ghi khác cũng tự hào không kém đó là dấu ấn không thể phai mờ trong lòng người yêu chèo với từng tích trò, từng nhân vật mà nghệ nhân tài ba Lý Mầm đã diễn.

 

 

Nghệ sĩ nhân dân Văn Mởn, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

 

Tôi may mắn được mấy lần xem và học cách diễn chèo của nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân Lý Mầm. Điều tôi ấn tượng nhất là sự say nghề của ông. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông vận quần đùi, áo may ô nhưng có người muốn xem ông diễn chèo, ông chẳng ngần ngại, sẵn sàng miệng hát, tay dùng cây gỗ nhỏ gõ gõ lấy nhịp rồi hát bằng cả tâm hồn mình, hát như thể ngày mai không được hát nữa. Chất giọng của ông khàn nhưng ông rất biết khắc phục hạn chế của mình, sáng tạo khi đổi tông, đổi giọng, nhờ đó hát rất điêu luyện, hấp dẫn. Ông như chất lửa truyền cho chúng tôi tình yêu chèo.

 

Bà Nguyễn Thị Ðắc, thôn Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư

 

Chúng tôi xem nghệ nhân Lý Mầm diễn các tích trò thì cảm thấy “đã” lắm vì ông có thể tái diễn các nhân vật qua mỗi vai chèo mà nó đều “sống”, đều có “hồn”, mang sắc thái rất riêng. Tôi nghĩ rằng hiếm hoi mới tìm được người giỏi và tâm huyết như thế với nghệ thuật chèo. Những năm về nghỉ dưỡng già, ông đã truyền dạy cho lớp thanh niên chúng tôi cách diễn các tích trò, cách hát làn điệu chèo với mong mỏi giữ gìn làng chèo truyền thống của quê hương. Tôi tiếc rằng ông ra đi sớm, nếu ông ở lại được lâu hơn tôi tin quê tôi sẽ có thêm nhiều người biết hát chèo, làng chèo Sáo Đền không mai một như hiện nay.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa