Khó khăn trong tái đàn
Mặc dù đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định công bố hết dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 8/8 huyện, thành phố nhưng nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn dè dặt trong việc tái đàn. Là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi, toàn bộ đàn lợn gần 70 con nái và thương phẩm của gia đình ông Lê Văn Giáp, thôn Ngõ Mưa, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) buộc phải tiêu hủy. Sau khi mất trắng đàn lợn trị giá khoảng 130 triệu đồng, từ tháng 3/2019 đến nay gia đình ông vẫn để trống chuồng chưa dám tái đàn. Ông Giáp cho biết: Trước đây chuồng trại chăn nuôi đều hở nên khi dịch bệnh xảy ra không tránh được việc virus xâm nhập gây bệnh. Chính vì vậy, sau khi được hỗ trợ thiệt hại gần 60 triệu đồng, tôi đã dùng số tiền này để sửa sang lại chuồng trại theo hình thức khép kín, đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong thời gian tới. Tôi cũng dành nhiều thời gian để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, xử lý triệt để chuồng trại chờ trời nắng ấm mới bắt đầu nhập con giống về nuôi. Khó khăn lớn nhất hiện nay là toàn bộ đàn lợn nái cung cấp con giống nuôi trước đây của gia đình đã bị chết nên tôi chưa biết phải mua con giống ở đâu để tái đàn, chưa kể việc giá con giống đắt gấp 2 - 3 lần so với trước.
Trong thời điểm giá thịt lợn lên cao do thiếu nguồn cung, người chăn nuôi rất nóng lòng tái đàn để bù đắp lại nguồn thu nhưng lại gặp khó khăn về nguồn giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi cũng như tâm lý lo lắng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Điển hình như gia đình ông Đỗ Văn Trường ở thôn Lộng Khê 5, xã An Khê (Quỳnh Phụ), mặc dù đã nhiều năm chăn nuôi lợn nhưng ông cũng chỉ dám tái đàn với quy mô chưa bằng 1/3 so với trước đây. Ông Trường cho biết: Trang trại có 2 dãy chuồng nuôi rộng gần 1.000m2 được xây dựng khép kín bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khi chưa bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, trang trại thường nuôi 600 con lợn thương phẩm giống lợn ngoại siêu nạc nhưng thời điểm hiện tại gia đình tôi chỉ nuôi 170 con. Nguyên nhân do con giống khan hiếm, chi phí cao, trước đây gia đình tôi mua con giống tại một công ty chăn nuôi trong tỉnh có giá từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/con nhưng bây giờ phải lên tận cơ sở sản xuất giống ở huyện Đông Anh (Hà Nội) với chi phí từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/con. Nuôi 170 con lợn như hiện nay đã đầu tư gần 400 triệu đồng tiền con giống, nếu nuôi đủ 600 con như trước đây cần đến gần 1,4 tỷ đồng tiền con giống, vượt quá khả năng tài chính của gia đình, chưa kể chi phí trong quá trình chăn nuôi. Chính vì vậy, diện tích chuồng trại còn lại tôi để trống, một phần được cải tạo chuyển sang chăn nuôi bò thương phẩm.
Khó khăn của gia đình ông Giáp, ông Trường cũng là tình trạng chung của các trang trại, gia trại, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Chủ yếu các trang trại, gia trại đủ điều kiện chăn nuôi an toàn mới tái đàn với số lượng vừa phải còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa dám tái đàn mà chuyển sang chăn nuôi trâu, bò, gia cầm... để duy trì sản xuất. Mong muốn chung của người chăn nuôi lúc này là sớm nhận được hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra để có nguồn vốn khôi phục hoạt động sản xuất, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi...
Trước năm 2019, đàn lợn toàn tỉnh luôn duy trì hơn 1 triệu con, nhưng do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên hiện nay chỉ còn gần 800.000 con. Mục tiêu năm 2020 ngành chăn nuôi của tỉnh từng bước khôi phục đàn lợn để đạt số lượng tổng đàn khoảng 1 triệu con. Hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều trại lợn an toàn. Tuy nhiên, với số lượng đàn lợn nái hiện nay chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu tái đàn của các hộ chăn nuôi, trong khi đó nhu cầu về con giống đạt tiêu chuẩn, an toàn với bệnh dịch rất cao. Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, để việc tái đàn lợn hiệu quả và bền vững, người chăn nuôi cần mua con giống ở những cơ sở uy tín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe của lợn; để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ít nhất 30 ngày trước khi nhập lợn giống vào nuôi; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu chăn nuôi. Tái đàn lần đầu với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở; sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tiếp tục tái đàn. Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn, cho ăn thức ăn bảo đảm dinh dưỡng và bổ sung thêm các chất tăng đề kháng. Thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh cho đàn lợn theo quy định.
Minh Quân
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước