Nam Hà: Phát triển kinh tế sinh vật cảnh
Hội Sinh vật cảnh xã Nam Hà hiện có 60 hội viên tại 4 chi hội. Thời gian qua, mặc dù thị trường sinh vật cảnh không sôi động như giai đoạn trước nhưng phong trào sinh vật cảnh ở Nam Hà vẫn được duy trì, phát triển. Người dân trong xã đã tận dụng diện tích đất xấu, vườn tạp trồng các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây công trình; trong đó phần lớn là cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai và hoa lan, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bà Đỗ Thị Mão, thôn Vĩnh Trung năm nay đã 82 tuổi nhưng hàng ngày vẫn dành thời gian để cắt tỉa, chăm sóc từng gốc cây sanh, cây si, cây ăn quả. Để có những cây cảnh, cây thế đẹp mang giá trị nghệ thuật, ngoài việc dày công sưu tập, tìm kiếm các loại phôi từ nhiều nhà vườn trong tỉnh, bà Mão cũng dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để thể hiện ý tưởng của mình trong từng tác phẩm. Có không ít cây cảnh khi mua về giá chỉ vài trăm nghìn đồng sau khi qua bàn tay tài hoa của bà Mão đã nâng giá trị của tác phẩm lên vài chục triệu đồng. Mô hình với tổng diện tích gần 3.000m2 được thiết kế khoa học gồm ao cá, hòn non bộ, vườn cây ăn quả.
Bà Mão chia sẻ: Trong xu thế hội nhập hiện nay, bản thân tôi luôn quan niệm phải không ngừng lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Với tinh thần “Tuổi cao, gương sáng” hàng ngày tôi đều dậy sớm để chăm sóc từng gốc cây cảnh, cây ăn quả của gia đình. Nhờ có nghề sinh vật cảnh, tôi được thỏa mãn với thú chơi cây cảnh, mỗi ngày lại được vận động chân tay, trí óc nâng cao sức khỏe, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Trương Thế Hệ, thôn Đông Hào cũng là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội sinh vật cảnh xã Nam Hà. Nhờ trồng cây cảnh như sanh, si, phong lan mà gia đình ông đã có thêm thu nhập, tạo điều kiện để con cái học hành, mua sắm được các trang thiết bị tiện nghi phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Ông Hệ cho biết: Người làm sinh vật cảnh phải yêu nghề, say mê với cây cảnh thì mới cho ra đời những tác phẩm đẹp. Hiện nay, thú chơi cây cảnh của nhiều gia đình ở thành thị đang hướng đến lựa chọn những loại cây cảnh, cây bonsai gắn đá. Để có những chậu cây như vậy đòi hỏi chúng tôi phải dày công chăm sóc ít nhất từ 2 - 3 năm mới cho ra một tác phẩm hoàn thiện. Vì thế, tôi luôn tìm tòi, chủ động nắm bắt xu thế thị trường, nghiên cứu, tìm hiểu, tạo ra những dáng cây đẹp và lạ, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Để nâng cao tay nghề cho hội viên, 5 năm qua, Hội Sinh vật cảnh xã Nam Hà đã tổ chức cho gần 200 lượt hội viên tham quan các nhà vườn, các địa phương trồng cây cảnh nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh; phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh mở lớp hướng nghiệp, dạy nghề làm sinh vật cảnh để hội viên của 20 xã trên địa bàn tỉnh với gần 100 học viên theo học; qua triển khai học tập, nhiều hội viên đã nắm bắt được kỹ thuật, tạo thế, tỉa cành cho cây. 5 năm qua, Hội Sinh vật cảnh xã Nam Hà đã có 18 tác phẩm tham gia hội chợ đều đạt chất lượng được Hội Sinh vật cảnh tỉnh cấp giấy chứng nhận.
Ông Trịnh Đức Cương, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nam Hà chia sẻ: Điểm nhấn trong phát triển kinh tế sinh vật cảnh của Nam Hà là xây dựng những mô hình làm điểm, trồng và chăm sóc sinh vật cảnh, từ đó nhân ra diện rộng. Nhiều gia đình hội viên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế từ mô hình cây cảnh, cây thế như gia đình ông Trương Văn Thiềm, ông Nguyễn Văn Hưởng, ông Trương Văn Phường... cho thu nhập từ làm nghề và bán cây cảnh hàng trăm triệu đồng. Đến nay, Hội Sinh vật cảnh xã Nam Hà đã phát triển được hơn 3.500 cây các loại. Trong đó, cây tầm đại có 681 cây, cây tầm trung 1.635 cây, cây mini các loại có 1.254 cây, 19 hộ gia đình hội viên với trên 600 giỏ phong lan các loại, 8 hộ có bể cá, 10 hộ có các loại chim cảnh. Nghề làm sinh vật cảnh và dịch vụ cây cảnh cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập cho gia đình hội viên, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Trịnh Đức Cương cho biết thêm: Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh xã tiếp tục củng cố về tổ chức hội, phát triển phong trào, mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên, đồng thời đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hóa, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn xã thêm xanh - sạch - đẹp.
Tiến Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật