Thứ 5, 28/11/2024, 22:48[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất sản xuất lúa, cá, củ ấu

Thứ 2, 08/06/2020 | 08:43:33
3,176 lượt xem
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt tại những vùng úng trũng. Mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa, cá , củ ấu của ông Nguyễn Quang Huy, thôn Đông Lễ Văn, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) tuy mới được triển khai nhưng bước đầu cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với sản xuất độc canh cây lúa.

Hội Nông dân xã An Đồng (Quỳnh Phụ) hỗ trợ giống cá rô phi đơn tính, cá trắm cho mô hình.

Trao đổi về mô hình sản xuất mới ở địa phương, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng cho biết: Cánh đồng thôn Đông Lễ Văn là vùng úng trũng, giao thông, thủy lợi khó khăn. Trước đây, khi gieo cấy lúa thường xuyên bị ốc bươu vàng, chuột cắn phá nên năng suất đạt thấp. Vì thế, nhiều hộ lơ là việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh thậm chí bỏ ruộng hoang để đi làm thuê, làm công nhân. Vì vậy, tích tụ ruộng đất để thực hiện mô hình lúa - cá - củ ấu của ông Nguyễn Quang Huy là hướng đi đúng bởi giải pháp này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo một phần diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần nhiều chi phí đầu tư, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân. Hơn nữa, mô hình này lại dễ thực hiện, độ rủi ro thấp, thời gian sinh lãi ngắn; phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của địa phương, khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Thuê, mượn lại trên 5ha của gần 100 hộ dân từ vụ xuân năm 2019, ông Nguyễn Quang Huy bắt tay cải tạo, chỉnh trang lại đồng ruộng để phù hợp với nhu cầu sản xuất. Ông Huy cho biết: Khi tôi đặt vấn đề thuê lại ruộng để cấy lúa kết hợp thả cá, các ban, ngành, đoàn thể của xã cũng như người dân trong thôn ủng hộ cao, nhiều hộ dân không lấy tiền thuê ruộng. Đồng ruộng bỏ hoang nhiều vụ nên cỏ mọc quá đầu người, tôi phải đưa máy làm đất xuống cày, lồng vùi cỏ; đắp bờ, nạo vét kênh mương. Vụ đầu, tôi cấy lúa kết hợp thả cá, tuy nhiên cuối vụ, lúa bị đổ do gặp mưa dông, để cứu lúa phải tháo nước, nhưng như vậy ảnh hưởng tới cá nên hiệu quả không cao. Sang năm nay, tôi thu hoạch lúa xong mới thả cá; một phần diện tích trồng củ ấu, những chân ruộng cao tiếp tục cấy vụ lúa mùa.

Sau khi thu hoạch lúa xuân, ông Huy sẽ thả các loại cá truyền thống, trồng ấu và cấy lúa mùa trên những chân ruộng cao.

Ngoài lúa, cá, củ ấu, ông Huy còn đắp ụ, trồng 85 khóm sắn dây trên các bờ vùng, ươm trồng các loại cây ăn quả, cây bóng mát. Vụ xuân này, ông cấy gần 2ha lúa Nhật, đầu ra được HTX DVNN xã An Đồng liên kết bao tiêu với các công ty; diện tích còn lại ông cấy BC15; năng suất ước đạt trên 2 tạ/sào, cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ trước kia. Theo ông Huy, sở dĩ năng suất lúa đạt cao bởi sản xuất với quy mô lớn, có sự đầu tư, quan tâm hơn đến việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

“Mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Nhờ nuôi thả tự nhiên, chất lượng thịt cá bảo đảm an toàn và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy vẫn phải “lấy thu bù chi” trong thời gian đầu nhưng về lâu dài, mô hình sản xuất đa canh này cho thu nhập gấp nhiều lần so với việc chỉ gieo cấy hai vụ lúa. Để phục vụ sản xuất, tôi đã đầu tư 2 máy làm đất, 1 máy cấy. Về lâu dài, tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu tư kéo điện ra cánh đồng để thuận lợi trong điều hành nước, xây dựng kho sấy lúa” - ông Huy cho biết thêm.

Biến khó khăn của vùng sâu trũng thành lợi thế, từ cánh đồng hoang hóa thành những thửa ruộng cho thu nhập cao, mô hình sản xuất đa canh lúa - cá - củ ấu tại xã An Đồng tuy mới được đưa vào thực hiện nhưng đã có sức lan tỏa khi một số nông dân trong xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mô hình này sẽ giúp nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày