Thứ 6, 29/11/2024, 00:48[GMT+7]

Nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn cao

Thứ 3, 16/06/2020 | 08:56:40
1,208 lượt xem
Năm 2020, Thái Bình có thể ghi nhận các đợt nắng nóng kéo dài chưa từng thấy và xâm nhập mặn cao; mưa và bão sẽ đến muộn hơn mọi năm.

Rừng ngập mặn ở xã Thụy Trường (Thái Thụy) góp phần phòng, chống thiên tai và xâm nhập mặn.

Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình cho biết: Nắng nóng trong mùa hè năm 2020 sẽ tiếp tục gia tăng về cường độ và tần suất. Thông thường tháng 4 hàng năm đã bắt đầu có nắng nóng. Tuy nhiên năm nay, đến đầu tháng 5 mới xuất hiện đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên ở Bắc Bộ, muộn hơn so với mọi năm. Tuy đến muộn nhưng nắng nóng gay gắt và kéo dài từ tháng 5 đến tháng 6, 7. Mùa mưa bão năm 2020, trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và trong đó khoảng 5 - 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. 

Nằm trong bối cảnh chung của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thái Bình từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo giông, lốc, mưa đá... Thái Bình có khả năng xảy ra 7 - 8 đợt nắng nóng, nhiều hơn so với TBNN, trong đó có 1 - 2 đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất 390C, cao hơn từ 0,5 - 1,50C so với TBNN. Tổng lượng mưa toàn mùa các khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ TBNN, từ 1.200 - 1.400mm. Xuất hiện 5 - 7 đợt mưa lớn diện rộng. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ gây ngập úng. Bên cạnh đó, khu vực Thái Bình có khả năng chịu ảnh hưởng 2 - 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Đối với lũ, đỉnh lũ năm nay thấp hơn so với TBNN và xuất hiện vào tháng 7 và tháng 8. Mực nước trung bình các tháng mùa lũ tại các trạm Tiến Đức, Triều Dương, Thái Bình thấp hơn nhiều so với TBNN; các trạm Ba Lạt, Đông Quý ở mức tương đương TBNN. Các địa phương cần chủ động đề phòng khả năng nước dâng do bão kết hợp với triều cường và xả lũ của các nhà máy thủy điện, gây ngập úng khu vực cửa sông, ven biển, khu vực thấp trũng các bãi ven sông.

Những ngày qua, thời tiết tại Thái Bình đã phải hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử, đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, lượng mưa của tháng 4, 5 đều thiếu hụt so với TBNN, nhiều nơi thiếu hụt 30 - 60%. Chính vì vậy mà lưu lượng dòng chảy tại các sông xuống rất thấp, dẫn đến xâm nhập mặn lấn sâu vào trong các cửa sông. Độ mặn kỳ triều cường 10 ngày đầu tháng 6 cao nhất trong các tháng đo mặn năm 2019 - 2020. Phạm vi chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn 4%o từ cửa sông Hồng, Trà Lý vào sâu khoảng 10 - 15km. 

Cũng theo ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình thì nguyên nhân của những biến động bất thường này là do tác động của BĐKH và sự nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng của con người như chặt phá rừng, xả rác thải, bê tông hóa... cũng làm cho nhiệt độ gia tăng hơn so với trước đây. Hiện nay đã bước vào trung tuần tháng 6, cần đặc biệt đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, nắng nóng gay gắt; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp... Đặc biệt, dưới tác động của BĐKH, các hiện tượng khí hậu không còn tuân theo quy luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tăng cường áp dụng những biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày