Thứ 6, 29/11/2024, 00:48[GMT+7]

Đồng bằng sông Cửu Long chống hạn, mặn thành công

Thứ 7, 20/06/2020 | 21:20:46
4,404 lượt xem
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, công tác phòng chống xâm nhập mặn năm 2020 đã đạt được những hiệu quả như mong đợi bởi mùa khô năm nay được xem là khốc liệt.

Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa. Ảnh: TTXVN.

Mùa khô năm nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nghiêm trọng hơn mùa khô 2015-2016 nhưng công tác phòng chống hạn, mặn đã thành công. Đây là khẳng định của Bộ NN&PTNT tại hội nghị Tổng kết công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn được tổ chức tại Long An sáng 20/6.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong cao điểm, mặn 4g/lít xâm nhập 135 km, sâu hơn 9 km so với đỉnh mặn trong mùa khô 2015-2016 nhưng thiệt hại giảm sâu. Tính cả mùa khô, diện tích bị thiệt hại là 58.400 ha, chiếm tỷ lệ 14%. Trong khi đó, đợt hạn hán và xâm nhập mặn 2015-2016, diện tích lúa bị ảnh hưởng lên đến 405.000 ha.

Đối với cây ăn trái, có 6.650 ha ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn. Trong khi năm 2015-2016, diện tích bị ảnh hưởng lên đến 28.500 ha. Nếu mùa khô năm 2015-2016, toàn vùng ĐBSCL có 210.000 hộ bị thiếu nước thì năm nay, chỉ có khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn trong về nước sinh hoạt.

Kết quả này có được là do Chính phủ đã sớm dự báo tình hình xâm nhập mặn, chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các địa phương triển khai các giải pháp ứng phó như đẩy nhanh lịch thời vụ, hoàn thành các công trình điều tiết nước. Người dân chủ động trữ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo Bộ NN&PTNT, hội nghị này không phải dịp để nêu lên những thành tích phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cũng không phải là dịp để các địa phương than khó, kể khổ để xin kinh phí từ trung ương. Bộ cùng các địa phương rút kết những kinh nghiệp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, đồng thời bàn giải pháp ứng phó trong thời gian tới như đẩy nhanh lịch thời vụ, trữ nước, hoàn thành sớm các công trình điều tiết nước. Người dân chủ động phương án tích trữ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Trong tương lai, nguồn nước đổ về ĐBSCL sẽ ngày càng ít dần. Khô hạn, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện với tuần suất cao hơn và dữ dội hơn. Hội nghị lần này sẽ giúp các địa phương rút ra được những bài học kinh nghiệm có những giải pháp lâu bền, ứng phó hiệu quả hơn với hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày