Hướng đi mới từ nông nghiệp hữu cơ
Thực trạng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đó là vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Những thói quen và kỹ thuật canh tác cũ đã và đang làm chết dần các hệ sinh thái trong đất. Dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình tích tụ ruộng đất hình thành không chỉ tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đầu ra ổn định mà còn mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và bảo vệ môi trường. Mô hình tích tụ ruộng đất của anh Nguyễn Thành Đương ở xã An Quý (Quỳnh Phụ) là một điển hình.
Khởi nghiệp từ nông nghiệp
Chúng tôi về thăm mô hình tích tụ ruộng đất của anh Đương vào một ngày đầu tháng 7 khi vụ dưa lê đầu tiên với diện tích trên 1ha đang cho thu hoạch. Gần chục nhân công thu hoạch, dán tem, đóng gói đưa lên ô tô, phân phối ở thị trường Hà Nội. Kể từ khi đặt vấn đề thuê đất với lãnh đạo địa phương tới khi lứa dưa đầu tiên được thu hoạch chỉ vẻn vẹn 3 tháng. Cả vùng rộng lớn trước kia là ruộng trũng, thậm chí bị bỏ hoang, chưa từng có ai thu hoạch thành công 2 vụ lúa/năm vậy mà hôm nay khắp cánh đồng đã và đang được chàng trai trẻ phân lô, đánh số, quy hoạch bờ vùng, bờ thửa thành một vùng phủ kín bởi dưa lê, ớt, mướp đắng, gấc... Nhìn cánh đồng xanh mướt ấy, chúng tôi bày tỏ cảm phục. Nguyễn Thành Đương cười phân trần: Một người bạn của tôi xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, gợi ý tôi thuê đất trồng cây dược liệu để làm vùng nguyên liệu cho nhà máy. Sinh ra từ gia đình làm nông nghiệp, tôi nhận thấy những cánh đồng bị bỏ hoang ngày càng nhiều, lãng phí không nhỏ nguồn tài nguyên đất. Đất được ví như mẹ hiền, đầu tư vào đất một cách thông minh, bền vững sẽ không lo thua lỗ. Chính vì suy nghĩ như vậy nên tôi đã quyết định lựa chọn nông nghiệp để khởi nghiệp dù đang có công việc ổn định trong lĩnh vực phần mềm quản lý, giám sát hành trình. Thật may mắn, ngay bước khởi đầu tôi đã nhận được sự ủng hộ cao của chính quyền địa phương từ xã tới thôn. Cánh đồng rộng 5ha, liền vùng được thuê lại trực tiếp của người dân trong 10 năm, giá thuê 500.000 đồng/sào/năm, UBND xã đứng ra bảo lãnh. Để tránh lãng phí đất, khi chưa tới thời vụ trồng cây dược liệu, tôi trồng hơn 1ha dưa lê, 3ha ớt và đóng cọc, làm giàn trồng gấc xen kẽ. Sau khi dưa, ớt thu hoạch xong sẽ trồng đinh lăng. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ thuê thêm khoảng 4ha của xã An Quý, An Ấp để mở rộng một số cây trồng như cà gai leo, sachi, ngải cứu...
Lựa chọn nông nghiệp thuận tự nhiên
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng ớt đang ra hoa, đậu quả, thật khác biệt so với những vùng chuyên canh ớt như: An Ninh, An Ấp, Quỳnh Minh, Quỳnh Hải... những luống ớt của anh Đương cỏ mọc kín luống. Chia sẻ về cách làm của mình, anh Đương cho biết: Khi chúng ta trồng cây rồi thu hoạch là chúng ta đã lấy đi dinh dưỡng từ đất, sau đó phải bón phân trở lại để trả lại chất dinh dưỡng cho đất. Chúng ta có nhiều lựa chọn: nếu muốn nhanh gọn, chúng ta bón phân hóa học, rất tiện lợi cho vài vụ đầu nhưng càng ngày đất càng suy kiệt, chúng ta càng phải bón nhiều hơn mà đất giữ lại chẳng bao nhiêu, lợi nhuận ban đầu có thể cao nhưng càng ngày càng phải đầu tư nhiều hơn mà năng suất lại thấp hơn thì đó là kém bền vững. Chúng ta có lựa chọn khác là bón phân hữu cơ, phân vi sinh, có thể chuẩn bị các loại phân này nhiều hơn nhưng nó ổn định từ vụ này đến vụ khác, ít phải gia tăng sức đầu tư, ít làm giảm sản lượng thu hoạch thì đó là cách làm bền vững hơn. Nhằm tiết kiệm nhân công trong cải tạo đất, chúng tôi vớt bèo ở các sông làm vật liệu che phủ luống, vừa giữ nước, làm mát cho cây, hạn chế cỏ dại lại tận dụng bèo làm phân bón. Cỏ trước kia phải làm tay thủ công thì giờ chỉ cần lấy máy cắt cỏ lia một lần rồi dùng thân che phủ và làm phân luôn. Theo các chuyên gia, nhà khoa học về nông nghiệp, nông nghiệp thuận tự nhiên hay còn gọi là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp “lười”, vườn rừng... được xem là phương thức trồng trọt bền vững. Phương thức này cho phép tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái của đất, không cày bừa, làm đất, trồng đa canh, thuận theo tự nhiên, giúp đất luôn được bồi đắp giàu dinh dưỡng. Nông nghiệp thuận tự nhiên hoàn toàn không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu nên chú ý đến yếu tố cân bằng của tự nhiên và không ảnh hưởng đến môi trường. Có thể canh tác bằng cách giữ lại cỏ để che phủ đất, rễ cỏ có khả năng giữ ẩm cho đất rất tốt. Đây là hình thức xen canh các loại cây trồng nhằm hạn chế dịch hại do nấm bệnh gây nên. Những ruộng dưa, ớt chúng tôi sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, tuy năng suất chỉ bằng 2/3 lần so với canh tác truyền thống của người dân nhưng giá thành cao hơn từ 1,5 - 2 lần. Những ruộng ớt tuy chưa cho thu hoạch nhưng đã có hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi cũng mong muốn xây dựng mô hình làm điểm về canh tác thuận tự nhiên, từ đó nhân rộng tới nông dân, hình thành liên kết bao tiêu nông sản, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.
Tuy còn quá sớm để khẳng định về hiệu quả kinh tế của mô hình song sản xuất nông nghiệp thực sự cần có những “nhà nông hiện đại” để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật