Thứ 6, 29/11/2024, 08:32[GMT+7]

Ông Hải tích cực diệt chuột bảo vệ sản xuất

Thứ 5, 13/08/2020 | 09:01:14
2,267 lượt xem
Ở thôn Tân Thành, xã Phúc Thành (Vũ Thư) có lão nông Đỗ Quang Hải nhiều năm qua nhiệt huyết và trách nhiệm với việc diệt chuột, góp phần bảo vệ thành quả sản xuất của gia đình và bà con nông dân.

Bình quân mỗi vụ sản xuất ông Hải đánh bắt được 1.000 - 1.200 con chuột.

Sinh ra ở vùng quê thuần nông, mọi thu nhập của gia đình ông Hải xưa nay trông chờ cả vào mấy sào lúa. Nhưng cứ vất vả cấy hái xong, lúa lên xanh tốt thì lại bị chuột cắn phá. Mỗi khi nhìn ruộng lúa bị chuột cắn phá, sau bao vất vả nhưng thu hoạch lại chẳng được bao nhiêu, ông Hải xót xa đến mất ăn, mất ngủ. 

Nhận thấy dùng các loại thuốc hóa học diệt chuột độ độc hại cao hoặc dùng các loại bẫy điện có thể gây nguy hiểm tính mạng con người mà hiệu quả diệt chuột lại thấp, ông Hải cho rằng kết hợp dùng bả sinh học và bẫy bắt thủ công là hiệu quả nhất. Ông quyết tâm mày mò nghiên cứu về tập tính, thói quen sinh hoạt của chuột. Sau một thời gian tìm hiểu loại bẫy bán nguyệt, ông Hải phát hiện ra loại bẫy này rất thích hợp diệt chuột, tuy nhiên sẽ cần phải điều chỉnh để đường kính của hình bán nguyệt rộng ra, ít nhất trên 14cm thì độ nhạy của bẫy sẽ cao nhất vì chuột bị kẹp, dính đuôi, thân chuột khi chạm bẫy. Vì vậy, ông không mua bẫy bán nguyệt sản xuất đồng loạt mà liên hệ với cơ sở sản xuất bẫy để yêu cầu đặt loại bẫy riêng. Ông đầu tư hàng trăm cái bẫy, đặt vòng quanh các xứ đồng có ruộng của gia đình. Tỷ lệ chuột dính bẫy bán nguyệt mà ông Hải đặt khá cao, tuy nhiên vẫn có những con chuột “ranh mãnh” không sập bẫy. Ông lại mày mò, nghiên cứu, tự chế ra các loại cạm lồng, cạm dây dút, cạm thông minh, cạm thòng lọng... mỗi loại cạm sẽ thích hợp với địa hình ruộng cao, ruộng trũng, chuột to, chuột nhỏ, chuột đồng, chuột cống khác nhau. Do chịu khó quan sát, tìm hiểu, ông Hải phát hiện nếu chỉ duy trì một loại mồi là thóc ngâm ủ thì chuột sẽ không ăn mồi, vì vậy ông bắt cua, cá, tôm tép, rang thơm và ủ thuốc diệt chuột sinh học để đặt. 

Thời điểm đánh chuột cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả diệt chuột. Theo ông Hải, đánh chuột hiệu quả nhất là sau khi kết thúc mùa vụ, thức ăn trên đồng hết, đường đi của chuột hiện ra rất rõ, đặt bẫy và đào bắt chuột trong hang dễ dàng hơn. Tùy từng thời điểm và xứ đồng, không ít lần ông Hải diệt 60 - 70 con chuột/ngày. 

Đều đặn, kiên trì, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông lặng thầm làm công việc diệt chuột của mình. Trên các xứ đồng của xã Phúc Thành hầu như nơi nào cũng có dấu chân ông lội qua. Không chỉ diệt chuột bảo vệ ruộng lúa của gia đình mình, ông Hải còn đánh bắt chuột cho nhiều xứ đồng trong và ngoài thôn. Nhiều năm qua, bình quân mỗi vụ sản xuất ông đánh bắt được 1.000 - 1.200 con chuột.

Ông Hải chịu khó tìm hiểu, thử nghiệm để nâng cao hiệu quả diệt chuột.

Bà Vũ Thị Giang, thôn Tân Thành phấn khởi chia sẻ: Trước kia gia đình tôi bị chuột phá hại sản xuất nên gieo cấy ít nhưng mấy năm nay gia đình tôi cấy 2 mẫu ruộng, năng suất rất ổn định, không sợ bị chuột phá hại. Có được thành quả này là do ruộng của gia đình tôi mấy thửa đều nằm kề bên ruộng của gia đình ông Hải và ông ấy đã chăm chỉ diệt chuột giúp cho cả ruộng của chúng tôi, lúa hầu như không bị chuột cắn phá, tôi rất biết ơn ông Hải vì điều này.

Ông Hà Hữu Nghị, Giám đốc HTX NN xã Phúc Thành cho biết: Những năm qua, ông Hải là một trong số nông dân có ý thức trách nhiệm, tích cực nhất của xã trong công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất. Kinh nghiệm diệt chuột của ông Hải rất đáng quý và được ông chia sẻ để bà con cùng diệt chuột hiệu quả. Đến nay, địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp để triển khai dịch vụ diệt chuột bảo vệ sản xuất và ông Hải trở thành một trong những thành viên nông dân tích cực tham gia diệt chuột ở xã.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày