Thứ 6, 29/11/2024, 12:50[GMT+7]

Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 3, 15/09/2020 | 08:58:41
7,231 lượt xem
Cùng với nông dân trong cả nước, những năm qua nông dân Thái Bình không ngừng đổi mới tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Mô hình của nông dân Trần Thị Nhàn, xã Tiến Đức (Hưng Hà) áp dụng kỹ thuật trồng dưa trong nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 1996, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, bà Phạm Thị Ngắn, xã Tây An (nay là thị trấn Tiền Hải), huyện Tiền Hải đạp xe một mình đến các chợ đầu mối trong tỉnh, rồi ngược lên các trung tâm thương mại ở Hà Nội để tìm hiểu thị trường, sưu tầm những mẫu sản phẩm mây tre mà khách hàng ưa chuộng để về làm, tìm hướng làm giàu. Sau đó, bà sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới, cách tân kiểu dáng, thêm họa tiết hoa văn vào các sản phẩm mây tre đan rồi đem chào hàng khắp nơi. Nhờ bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, bà Ngắn đã thổi hồn để những bẹ ngô, bèo bồng thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn, đẹp mắt, hấp dẫn người mua. Với nỗ lực không mệt mỏi, sự say mê và luôn sáng tạo, bà đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên với số lượng hơn 20.000 sản phẩm. Thành công ban đầu đã thôi thúc bà Ngắn sản xuất thêm nhiều mặt hàng cói, mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều nước như: Thụy Điển, Na Uy, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Australia và Trung Quốc. Hiện nay cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của bà Ngắn tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động trong và ngoài tỉnh với mạng lưới hơn 100 tổ sản xuất, tạo việc làm thời vụ cho nhiều hội viên nông dân với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.  

Cuối năm 2015, anh Nguyễn Văn Mới, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ cùng 12 hộ dân trong thôn thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản cá lồng trên sông Luộc. Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Mới cùng các hộ dân trong Tổ hợp tác được đầu tư bài bản với hệ thống lồng, bè chịu lũ và hạn chế thấp nhất tác động của thời tiết tới môi trường nuôi. Để bảo đảm cho cá sinh trưởng và phát triển tốt, anh Mới đã dùng kết cấu 3 tấm lưới để tạo độ bền và chắc chắn cho lồng nuôi, lưới đen với lỗ to anh dùng để tạo độ chắc và giúp cho người nuôi không bị thất thoát cá. Mỗi lồng nuôi anh dùng những tấm lưới xanh, mỏng để tránh những vật trôi nổi trên sông bị cuốn vào lồng nuôi, giúp nâng cao sức đề kháng cho cá, năng suất và hiệu quả nuôi cũng tăng theo. 

Anh Mới cho biết: Với 12 lồng nuôi trên 5.000 cá diêu hồng, hơn 3.000 cá chép, 1.500 cá trắm đen, sau khi trừ chi phí đầu tư mô hình của gia đình thu về hơn 600 triệu đồng/năm. Chính việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá lồng trên sông Luộc đã giúp  đời sống của các thành viên trong Tổ hợp tác ngày một khấm khá hơn, nhiều thành viên có điều kiện mở rộng sản xuất với hơn 20 lồng cá, một năm bình quân thu về từ 60 - 70 tấn cá các loại. Hiện nay thương hiệu cá lồng của Tổ hợp tác đã vươn xa khắp các tỉnh trong cả nước. Thời gian tới, Tổ hợp tác sẽ tập trung tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ nhau về vốn, giống, tạo điều kiện để các thành viên có thể tiếp cận mua thức ăn trả chậm, yên tâm sản xuất.

Bà Ngắn, anh Mới chỉ là hai trong hàng vạn nông dân Thái Bình biết khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế về đất đai, vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, mang lại lợi ích cho người lao động và cộng đồng. 

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Để phát huy vai trò của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tổ chức hội đã phát động sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút đông đảo hội viên tham gia. Giúp hội viên yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng cho hàng trăm nghìn hội viên vay hàng nghìn tỷ đồng. Các cấp hội đã vận động hội viên nông dân tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, cây trồng, con vật nuôi... trị giá hơn 701 tỷ đồng và hơn 927.000 ngày công lao động. Hàng năm, các cấp hội nông dân cũng đã phối hợp mở trên 3.000 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 250.000 lượt hội viên, tổ chức được hàng trăm cuộc tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hình thành hàng trăm trang trại do nông dân làm chủ, bình quân mỗi trang trại tạo việc làm từ 10 - 20 lao động góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong 5 năm (2015 - 2020), toàn hội có hơn 83% hội viên đăng ký tham gia phong trào, qua bình xét có hơn 75% số hội viên đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào thi đua góp phần  giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn trên 2%, gần bằng một nửa mức bình quân cả nước.  

Có thể khẳng định, mỗi cán bộ, hội viên nông dân với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đã không quản ngại vất vả, khó khăn, chung tay cùng cộng đồng kiến tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê theo hướng văn minh, hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống của  chính mình. Đặc biệt, trong những năm qua, nông dân Thái Bình cũng là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới góp phần đưa Thái Bình trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày