Phong trào trồng cây vụ đông ở Vũ Lễ
Vụ đông năm 2020, xã Vũ Lễ phấn đấu gieo trồng 240ha, đến nay địa phương đã gieo trồng được 50% diện tích, trong đó chủ lực là cây khoai tây với trên 100ha.
Ông Phạm Văn Nhật, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Lễ cho biết: Nhiều năm gần đây, nông dân rất năng động, biết chọn giống, nắm bắt nhu cầu thị trường để trồng những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Người dân Vũ Lễ vốn cần cù, chịu khó nên nhà nào cũng trồng cây vụ đông, nhà ít cũng trồng 1 sào, nhà nhiều thì vài chục mẫu. Nhiều gia đình đến vụ đông thì thuê tới 20 người làm cho kịp thời vụ. Bởi thế, trên khắp các cánh đồng của xã thời điểm này đều tấp nập. HTX đã liên kết với doanh nghiệp để cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm và phổ biến khoa học kỹ thuật nên người dân đều tích cực trồng cây vụ đông.
Theo ông Nhật: Vũ Lễ duy trì được diện tích lớn là do địa phương có truyền thống thâm canh cây vụ đông, nhiều loại cây trồng cho thu nhập cao nên ai cũng hăng say làm. Vụ đông năm nay nhiều hộ chủ động trồng khoai tây và dưa chuột sớm để bán giá cao song bị ngập úng chết do ảnh hưởng của bão số 7 nhưng đến nay đều đã được trồng lại. Nhiều diện tích đất không có thời gian nghỉ vì người dân tăng vụ trồng nhiều loại cây có thời gian thu hoạch nhanh. Có diện tích trồng 4 vụ/năm, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/sào.
Bà Hoàng Thị Biên, thôn Tri Lễ cho biết: Mỗi tấc đất với tôi đều được coi như tấc vàng. Vì thế, năm nào tôi cũng trồng hơn 1 mẫu rau màu, xoay vụ quanh năm với các loại cây: dưa lê, dưa chuột, cải ngồng, khoai tây, lúa... Mừng nhất là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, các thương lái về tận ruộng thu mua hoặc đem bán ở chợ. Tính riêng vụ dưa chuột vừa rồi, chỉ với 1,5 sào nhưng tôi thu được gần 20 triệu đồng. Dưa có thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch, năng suất cao và giá bán rất ổn định. Sau vụ dưa tôi tiếp tục trồng khoai tây. Tôi tự bỏ công làm nên tiết kiệm được phần lớn chi phí, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất đạt cao, tôi sẽ thu lãi 1,5 - 2 triệu đồng/sào khoai tây.
Tại cánh đồng thôn Man Đích, ông Vũ Hoài Nhân cho biết: Để đáp ứng khung lịch thời vụ tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy làm đất và làm kho lạnh. Nhiều năm nay tôi đều duy trì trồng trên 20 mẫu khoai tây, năng suất bình quân đạt từ 8 tạ - 1 tấn/sào. Tuy nhiên, thắng lợi hay không còn phụ thuộc vào thời tiết. Như vụ đông năm ngoái mưa lớn trong đêm giao thừa và ngày mùng 1 tết khiến hơn 30 mẫu khoai bị ngập, trong đó bị thiệt hại tới 40% diện tích. Thuận hơn là HTX đã ký kết với doanh nghiệp nên người trồng được cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm, do đó tôi đã gom ruộng của những người không trồng tạo ra vùng trồng khoai tây lớn. Hơn nữa nguồn nhân lực ở địa phương nhiều nên dù diện tích lớn nhưng đông người làm nên vẫn kịp thời vụ.
Dù mới làm được gần tuần nhưng ông Nhân đã trồng xong 5 mẫu khoai tây. Ông Nhân khẳng định, cũng vì đam mê với đồng ruộng nên ngay cả từ thời HTX chưa có liên kết với doanh nghiệp thì ông cũng trồng hàng chục mẫu và là người bao tiêu sản phẩm cho bà con trong xã. Đến giờ tính chi phí đầu tư cho một vụ rất lớn; tuy nhiên nếu thời tiết thuận, trừ chi phí mỗi sào ông thu lãi trên 1 triệu đồng. Ngoài ra ông còn bảo quản giống, cung cấp hàng chục tấn khoai cho nông dân và tạo việc làm cho nhiều người dân trong xã.
Bà Nguyễn Thị Loan, thôn Man Đích cho biết: Hàng năm tôi đều tranh thủ trồng xong sớm diện tích của nhà rồi đi làm thuê cho các hộ trồng nhiều với thu nhập 250.000 đồng/ngày công. Vì thế, chỉ tính đi làm thuê trong vụ đông tôi cũng có thêm từ 6 - 8 triệu đồng.
Theo chị Đặng Thị Nụ, thôn Man Đích: Nhiều năm người dân trồng cây vụ đông cũng bị mất trắng do thiên tai, ngập lụt nhưng vẫn tiếp tục đầu tư trồng lại. Bởi thực tế thời vụ gieo trồng chỉ diễn ra vài ngày, năng suất hiệu quả lại cao, nếu thời tiết thuận lợi bình quân mỗi sào cũng được 8 tạ. Do đó năm nào tôi cũng trồng 6 sào khoai tây và chưa bao giờ để ruộng trống.
Với tinh thần lao động hăng say nên từ nhiều năm nay vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm ở Vũ Lễ, góp phần đưa giá trị sản xuất từ vụ đông chiếm khoảng 25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm của xã.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%