Thứ 6, 29/11/2024, 22:42[GMT+7]

Thành phố: Tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi

Thứ 2, 16/11/2020 | 08:46:38
839 lượt xem
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao. Cùng với các địa phương trong tỉnh, thành phố Thái Bình đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Hộ chăn nuôi xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) rắc vôi bột phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Hiện tổng đàn lợn của thành phố trên 22.400 con, đàn gia cầm 530.000 con, đàn trâu, bò gần 1.100 con. Mặc dù có số lượng ít hơn nhiều so với các huyện nhưng thành phố lại là trung tâm kinh doanh, buôn bán và giết mổ quy mô lớn của tỉnh với nhiều chợ lớn như Đề Thám, Quang Trung, Kỳ Bá, Hải sản... Vì vậy, thành phố đã và đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm. Lực lượng thú y thành phố chủ động phối hợp với ban chăn nuôi và thú y 14/19 xã, phường có chăn nuôi tiếp tục tiêm bổ sung những con vật nuôi chưa được tiêm vắc-xin; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt việc bảo đảm vệ sinh chuồng trại; quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng; thường xuyên vệ sinh khử trùng; theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, để nuôi cách ly, điều trị kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các xã, phường về kỹ thuật và quy trình chăn nuôi, quy trình phòng bệnh tổng hợp, giúp người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó tự giác thực hiện. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho người chăn nuôi, công tác giám sát. phát hiện và xử lý ổ dịch cho cán bộ thú y các xã, phường. Yêu cầu hộ chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trên địa bàn có sổ ghi chép nhật ký theo dõi hàng ngày, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc; không tự ý vận chuyển động vật mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường. Các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thành phố đã cấp trên 2.000 lít hóa chất cho các xã, phường phun khử trùng, tiêu độc định kỳ và thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; đã tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê đạt gần 93%, tiêm lở mồm long móng cho đàn lợn nái, tiêm phòng các bệnh đỏ cho đàn lợn đạt 92%.

Ngay sau khi xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại thôn Trấn Tây, xã Vũ Chính, UBND thành phố đã tổ chức họp quán triệt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đến chủ tịch UBND, trưởng ban chăn nuôi và thú y các xã, phường, các phòng, ban liên quan; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị tập trung, quyết liệt phòng, chống dịch; kiểm tra, đôn đốc các địa phương phòng, chống dịch; tổ chức tiêu hủy toàn bộ 5 con lợn tại ổ dịch và thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, bao vây, dập dịch. Đến nay, đã hơn 30 ngày tại ổ dịch xã Vũ Chính và các địa phương khác trên địa bàn thành phố không xuất hiện lợn ốm, chết có biểu hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Xã Vũ Đông, một trong những địa phương có tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm cao của thành phố với trên 11.000 con. Ông Nguyễn Thế Huyền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau khi đã hết dịch, thời gian qua địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhất là áp dụng các biện pháp vệ sinh thú y, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y; tổ chức tổng vệ sinh môi trường vào dịp cuối tuần; yêu cầu các hộ thực hiện khai báo tái đàn đối với khu vực có ổ dịch cũ. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và kế hoạch tiêm phòng vụ thu đông, UBND xã đã giao Ban Chăn nuôi và Thú y xã phối hợp với các gia đình cấp vắc-xin tiêm phòng các bệnh ở lợn, trâu, bò, dê và gia cầm, thủy cầm. Đã có trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Đồng thời, UBND xã đã triển khai kế hoạch tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch. Tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay với thú y viên cơ sở để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, bán tháo gia súc, gia cầm để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố cùng nỗ lực của người chăn nuôi trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh là điều kiện bảo đảm cho đàn vật nuôi của thành phố tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt.                                                          

Dũng Quân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày