Tích cực phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi
Gia trại của anh Trịnh Công Vinh, thôn An Lạc 1, xã An Vinh hiện đang nuôi 12.000 con gà ri thả vườn. Ngoài 5 dãy chuồng được trang bị hệ thống làm mát, máng ăn uống tự động, diện tích sân vườn chạy bộ, phơi nắng bảo đảm các điều kiện sinh trưởng và phát triển cho gà, công tác vệ sinh phòng dịch được đặc biệt quan tâm.
Anh Vinh chia sẻ: Chăn nuôi quy mô lớn nên tôi luôn nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của công tác vệ sinh, phòng dịch đối với sự an toàn của đàn gà cũng như kinh tế của gia đình. Trong điều kiện thời tiết giao mùa ảnh hưởng không nhỏ đến đàn vật nuôi, được sự tuyên truyền của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện và xã, tôi luôn chủ động chấp hành và thực hiện nghiêm túc các kế hoạch tiêm phòng cho đàn gà theo nguyên tắc “4 đúng”. Ngoài ra, tôi luôn chú trọng nhập con giống tại những cơ sở uy tín, thực hiện định kỳ hàng tuần tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại...
Xã An Vũ nằm giáp quốc lộ 10 và đường ĐT.455 với mật độ người và phương tiện lưu thông cao ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi.
Ông Phạm Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã An Vũ cho biết: Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi tại địa phương chưa mạnh dạn tái đàn lợn mà tập trung vào phát triển đàn gia cầm. Đàn lợn toàn xã hiện có 121 con, đàn trâu, bò 47 con, cùng 31.600 con gia cầm, thủy cầm. Thực hiện chỉ đạo của huyện, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trong xã biết về hiệu quả của tiêm phòng đối với vật nuôi, nếu người chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi dịch bệnh xảy ra sẽ không được hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Ban Chăn nuôi và Thú y xã đã tiếp nhận đúng, đủ lượng vắc-xin, thực hiện tiêm phòng toàn bộ đàn vật nuôi trên địa bàn theo quy định.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ, trong toàn huyện hiện đàn trâu, bò ước đạt trên 7.200 con, tổng đàn lợn hơn 104.400 con, tổng đàn gia cầm 1,5 triệu con. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương thực hiện quyết liệt việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Duy, Quyền Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Trạm đã xây dựng các kế hoạch tiếp nhận, phân bổ vắc-xin theo tiến độ thời gian tiêm phòng, rà soát, chuẩn bị dụng cụ tiêm phòng, phương tiện bảo quản vắc-xin và vật tư kỹ thuật khác. Chỉ đạo nhân viên chăn nuôi và thú y các địa phương thống kê chính xác số lượng gia súc, gia cầm để cấp phát vắc-xin, dụng cụ tiêm phòng đúng, đủ, tăng cường bám nắm địa bàn, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống bệnh dịch phát sinh trên đàn vật nuôi. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nhân viên thú y xã và các chủ trang trại quy mô lớn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các cửa hàng bán thuốc thú y kém chất lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để những hộ chăn nuôi và người dân nâng cao ý thức về công tác vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng môi trường. Thực hiện tiêm phòng vụ thu đông, huyện Quỳnh Phụ đã cấp phát 50.680/59.935 liều vắc-xin được tiếp nhận cho các địa phương, sử dụng 6.355 lít hóa chất, 140.333kg vôi bột phun tiêu độc, khử trùng cho tổng diện tích 9,5km2 khu vực chăn nuôi toàn huyện. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng các bệnh “đỏ” cho đàn lợn, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc đạt 90%, tỷ lệ tiêm phòng tụ huyết trùng đàn trâu, bò đạt trên 80% tổng đàn...
Song song với công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, để thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt chất lượng, yêu cầu, huyện Quỳnh Phụ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về phòng ngừa dịch bệnh. Coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn. Qua đó nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương phát triển vững chắc.
* Xã Hòa Bình là địa phương đầu tiên của huyện Kiến Xương tái phát sinh ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi vào ngày 13/10. Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp bao vây, dập dịch nên ổ dịch đã được khống chế kịp thời, đến nay đã hơn 30 ngày trên địa bàn xã không phát sinh ổ dịch mới.
Người chăn nuôi xã Hòa Bình (Kiến Xương) thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi thường xuyên.
Tại thời điểm tái phát sinh ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, toàn xã Hòa Bình có 22 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 135 con. Sau khi nhận được thông tin đàn lợn của hộ gia đình ông Trần Văn Miện ở thôn Việt Hưng có biểu hiện ốm chết, địa phương đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, xác minh thông tin, đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để kịp thời có biện pháp xử lý. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại địa phương. Qua kiểm tra lâm sàng và lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm cho kết quả lợn ốm chết dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương đã thực hiện nghiêm việc tiêu hủy số lợn ốm chết theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; sử dụng hóa chất, vôi bột để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của hộ có lợn bị bệnh và khu vực xung quanh, địa điểm công cộng có nguy cơ cao trên địa bàn xã. UBND xã cũng nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổ kiểm dịch, tổ tiêu hủy, tổ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tổ tuyên truyền và phân công cụ thể cho từng thành viên. Cùng với tiêu hủy 3 con lợn ốm chết có tổng trọng lượng 446kg theo quy định, địa phương cũng tổ chức thống kê, rà soát tổng đàn, kiểm tra tình hình dịch bệnh, quản lý số lợn còn lại; lập bản cam kết với các chủ hộ chăn nuôi, hộ buôn bán thịt lợn trên địa bàn xã thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức khai báo và phòng, chống dịch cho người dân.
Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã ổn định, không phát sinh lợn ốm chết nhưng xã Hòa Bình vẫn đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bà Lê Thị Hồng Xiêm, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Để xử lý ổ dịch, toàn xã đã sử dụng 15 lít hóa chất và 440kg vôi bột để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của hộ có lợn ốm chết, địa điểm chôn lấp, tiêu hủy lợn cũng như khu vực có nguy cơ cao. Sau khi ổ dịch được khống chế, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng vẫn được duy trì thường xuyên. Cùng với nguồn hóa chất được hỗ trợ từ huyện, đến nay địa phương đã tự huy động và sử dụng 35 lít hóa chất cùng 900kg vôi bột để thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Bên cạnh đó, các tổ kiểm dịch, tổ tiêu hủy, tổ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tổ tuyên truyền vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có dịch bệnh xảy ra. Một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh luôn được địa phương chú trọng thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn để tăng sức đề kháng chống chọi với bệnh tật.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, người chăn nuôi trên địa bàn xã cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn của gia đình để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Trịnh Cường - Thanh Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển