Thứ 6, 29/11/2024, 22:44[GMT+7]

Hiệu quả “kép” từ mô hình nuôi cá trên ruộng lúa

Thứ 3, 24/11/2020 | 08:56:06
5,152 lượt xem
Thuê lại ruộng bỏ hoang để cấy lúa, cùng với đó là tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá và vịt. Mô hình sản xuất kết hợp này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho anh Đặng Văn Tăng, thôn Tư Cương, xã An Cầu (Quỳnh Phụ).

Mỗi năm mô hình sản xuất của anh Tăng cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.

Nhìn khu ruộng hơn 13 mẫu của anh Tăng thời điểm này chỉ thấy lúa éo. Đứng xa thấy ngọn lúa rùng rùng như có vịt thả đồng. Tới gần quan sát kỹ mới thấy có cả vịt và cá đang đua nhau “ngấu nghiến” lúa. 

Anh Tăng cho biết: Cách đây khoảng 4 năm, thấy nhiều bà con bỏ ruộng hoang, có nhà thì bỏ hoang vụ mùa, mình tiếc quá. Như nhà mình, muốn có đất canh tác lại chỉ có 2 suất ruộng của hai mẹ con. Thế nên mình quyết thuê lại ruộng bỏ hoang để canh tác. Khi bàn bạc với mẹ và vợ thì bị phản đối ghê lắm vì sợ mình làm không thành công. Có bà con cho thuê ruộng nhưng cũng ái ngại, mình ít vốn liếng, nhà lại neo người, kham sao nổi. Lúc đó mình đang là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã nên càng khó khăn càng phải quyết tâm làm cho bằng được. 

Vậy là hơn 13 mẫu ruộng được cải tạo để cấy lúa và nuôi cá. Anh Tăng đào đắp bờ bao để phòng tránh mưa bão, mỗi thửa phía sát bờ lại đào sâu xuống để giữ nước nuôi cá, còn ở giữa thì cấy lúa.

Chia sẻ về việc chọn mô hình cấy lúa, nuôi cá, anh Tăng cho biết: Tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, mình thấy mô hình này dễ thực hiện, rủi ro thấp, thời gian sinh lãi ngắn. Chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng. Mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, cá sẽ ăn trứng ốc bươu vàng nên ốc không thể phát triển để hại lúa. Ngoài ra, việc ít phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa.

Mỗi năm anh Tăng cấy 2 vụ lúa, thu hoạch cá 1 lần. Vì vụ xuân là vụ năng suất nhất, ít sâu bệnh cho lúa nên anh Tăng thực hiện cấy lúa như thường. Sau đó thả cá chung với lúa. Sau khi gặt thu thóc về thì dâng nước lên, cá lúa sống chung. Đến khi cấy lúa mùa, anh cho rút nước, cá xuống các mương để có thể làm đất, cấy lúa và khi lúa đứng cây lại dâng nước lên cho cá sống trên ruộng lúa. Khi thu hoạch lúa mùa thì lặp lại như lúa xuân. Nhờ nuôi thả tự nhiên, chất lượng thịt cá bảo đảm an toàn và thơm ngon. Lúa đạt năng suất từ 1,7 - 2 tạ/sào. Lúa an toàn, cá săn chắc, thơm ngon nên không đủ cho thương lái đến mua. 

Anh Tăng cho biết: Mình mới chỉ trong giai đoạn đầu sản xuất theo mô hình lúa - cá nên lượng cá giống thả xuống ruộng còn ít và thả thêm vịt và bò sinh sản trong khu ruộng của mình. Môi trường tự nhiên nên trong khu ruộng nhà mình cua đồng phát triển cũng nhiều. Mỗi năm từ mô hình này anh thu về từ 200 - 300 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Cầu cho biết: Dù không còn làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã nữa nhưng anh Tăng vẫn nhiệt tình hỗ trợ, đồng hành với tuổi trẻ trong mọi hoạt động. Anh cũng là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, sáng tạo trong phát triển kinh tế để chúng tôi giới thiệu, nhân rộng. Anh Tăng cũng là công an viên, được lãnh đạo Công an xã và bà con tin yêu.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày