Thứ 7, 30/11/2024, 13:42[GMT+7]

Để nông sản không còn phải “giải cứu”

Thứ 4, 17/03/2021 | 09:00:45
10,244 lượt xem
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước xảy ra tình trạng bà con nông dân mong chờ được hỗ trợ tiêu thụ rau, củ, quả, trái cây. Tại Thái Bình, tuy việc “giải cứu” nông sản chỉ diễn ra cục bộ tại một số vùng chuyên canh rau nhưng cũng đã cho thấy nhiều điểm yếu trong sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết. Từ thực tế trên, cần làm gì để nông sản không còn phải “giải cứu” là bài toán đặt ra cho các cơ quan chức năng và người dân.

Chi đoàn Thanh niên Báo Thái Bình phối hợp với đoàn thanh niên một số đơn vị hỗ trợ nông dân xã Vũ Vân (Vũ Thư) tiêu thụ gần 6 tấn bắp cải.

Đứng ra thuê lại 5ha ruộng của người dân với mức giá 40kg thóc/sào/năm từ đầu năm 2020, chị Nguyễn Thị Tuyên, xã Liên Giang (Đông Hưng) chuyển sang trồng các loại rau, quả theo hướng an toàn. Tuy nhiên, vụ bắp cải đang cho thu hoạch là vụ thứ ba liên tiếp bị thua lỗ. Chị Tuyên chia sẻ: Vụ đông năm 2020, trên diện tích ruộng đã thuê, tôi trồng ớt. Tuy nhiên, vừa trồng xong thì gặp mưa lớn đầu vụ, thiệt hại toàn bộ. Sau đó tôi chuyển sang trồng su hào để bán phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu. Do giá rau giảm sâu lại khó tiêu thụ nên tôi quyết định không thu hoạch để giảm bớt thiệt hại từ chi phí thuê nhân công. Mong gỡ gạc lại từ vụ bắp cải này thì nay cũng đang cần được “giải cứu”. Ước tính, tổng thiệt hại 3 vụ trên 500 triệu đồng.

Ở một số vùng trồng rau chuyên canh khác như xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), có thời điểm giá rau quá rẻ, lại khó bán nên bà con nông dân nhổ bỏ hoặc cho thương lái tự thu hoạch để dọn ruộng lấy đất gieo trồng vụ tiếp. Theo các thương lái thu mua rau tại xã Quỳnh Hải, tình trạng giá rau giảm sâu diễn ra vào thời điểm các loại cây màu vụ đông, xuân thu hoạch rộ, nông dân có nhiều sản phẩm thu hoạch cùng lúc, trong khi do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hàng hóa khó lưu thông. Nông dân phát triển các loại cây trồng chưa hợp lý, ồ ạt trồng cùng loại sản phẩm nên khi thu hoạch sẽ xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu.

Để chung tay chia sẻ khó khăn với nông dân, những ngày qua, một số tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đứng ra kết nối, thu mua nông sản. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, “giải cứu” nông sản chứ chưa cứu được nông dân. Để tính chuyện đường dài cho sản xuất nông nghiệp, việc hình thành các chuỗi liên kết từ gieo trồng đến tiêu thụ đã được tỉnh chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua bằng việc xây dựng các cánh đồng lớn gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Năm 2020, toàn tỉnh xây dựng được 479 cánh đồng lớn với diện tích gần 14.000ha, chủ yếu là cánh đồng lúa và một số cây màu như ngô ngọt, ớt, cà rốt. Tuy nhiên, số cánh đồng lớn có sự tham gia của doanh nghiệp, HTX chỉ mới chiếm một phần nhỏ về diện tích; sản lượng nông sản được bao tiêu trong chuỗi liên kết còn rất khiêm tốn so với tổng sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, nhiều chuỗi liên kết vẫn dễ dàng đứt gãy, chưa thật sự phát huy hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng.

HTX SXKD DVNN xã Vũ An (Kiến Xương) là một trong số ít HTX duy trì liên kết bao tiêu rau màu cho thành viên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới cần có thay đổi nhất định, đặc biệt là cơ cấu lại ngành cân đối giữa 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo đảm an ninh lương thực phục vụ tiêu dùng nội tỉnh, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đối với lĩnh vực trồng trọt, cần đẩy mạnh sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ tiến tới sản xuất hữu cơ. Ngành Nông nghiệp đã có chủ trương xác định các vùng trồng khuyến khích nông dân khi trồng gắn với thị trường, tổ chức sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Để nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, các HTX nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối thực hiện liên kết sản xuất. Tuy nhiên, qua các cuộc “giải cứu” nông sản một lần nữa cho thấy hạn chế của các HTX nông nghiệp trong tổ chức sản xuất. 

Ông Trương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Xây dựng mô hình HTX gắn với phát triển chuỗi giá trị là mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế tập thể. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ rà soát, phân tích, đánh giá nguồn nhân lực hiện có để xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực cho cán bộ HTX theo lộ trình trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong khu vực HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế về sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa; chú trọng tư vấn, hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX trong ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; tổ chức tốt hệ thống thông tin, định hướng sản xuất hàng hóa nông sản trong tỉnh gắn kết với thị trường; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho HTX để chủ động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Lưu Ngần - Kiên Trung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày