Thứ 7, 23/11/2024, 23:01[GMT+7]

Thái Thụy: Phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản

Thứ 2, 17/05/2021 | 08:19:35
1,572 lượt xem
Những ngày gần đây, thời tiết diễn biến thất thường đã gây ảnh hưởng tới môi trường ao nuôi và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển gây hại cho thủy sản. Vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện Thái Thụy đang tăng cường đôn đốc, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản (NTTS) thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản.

Các hộ nuôi trồng thủy sản ở Thái Thụy chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho tôm.

Năm 2021, huyện Thái Thụy phấn đấu nuôi trồng 4.310ha thủy sản. Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian qua, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn có diện tích NTTS đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân làm tốt việc cải tạo ao đầm, tập trung xuống giống đúng thời vụ. Hiện tại, toàn huyện đã thả giống đạt gần 100% diện tích nước lợ với gần 150 triệu con giống gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược..., các diện tích còn lại đang chờ san giống. Ngay sau khi thả giống, các hộ NTTS đã tập trung ngay vào chăm sóc, bảo vệ thủy sản, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay. 

Ông Nguyễn Văn Chính, hộ nuôi tôm tại thị trấn Diêm Điền cho biết: Vụ này gia đình tôi nuôi thả hơn 1ha tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp. Đến nay, sau gần hai tháng nuôi thả tôm đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến đến đầu tháng 6 cho thu hoạch. Để bảo đảm tôm phát triển tốt, trong suốt quá trình nuôi tôi thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để giữ môi trường nước ổn định. Khi tôm nuôi được hơn 1 tháng tuổi trở đi rất nhạy cảm với biến động của môi trường. Thời tiết lúc nắng, lúc mưa như hiện nay dễ khiến tôm mắc các bệnh gây chết hàng loạt, vì vậy, tôi thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, duy trì các yếu tố môi trường bảo đảm thích hợp, nhất là duy trì ổn định độ pH trong nước bằng vôi bột; san tôm để bảo đảm mật độ; cho tôm ăn khẩu phần thích hợp với mật độ và kích cỡ tôm, định kỳ bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa để tôm tăng sức đề kháng.

Cùng với các hộ nuôi tôm, các hộ nuôi cá vược, cá song tại các xã ven biển trên địa bàn huyện cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. 

Anh Phạm Tiến Thuật, hộ NTTS xã Thụy Hải cho biết: Hiện nhà tôi nuôi tôm sú và cá song, đang trong giai đoạn chuyển mùa nên các đối tượng thủy sản hay mắc bệnh, gây tổn thất cho người nuôi, như với tôm là bệnh đỏ tôm và đốm trắng, còn với cá bệnh đốm đỏ, bệnh đường ruột, bệnh nấm thủy mi, bệnh trùng mỏ neo. Vì vậy, trong lúc cho tôm, cá ăn tôi thường xuyên theo dõi quá trình ăn của chúng, đồng thời kết hợp theo dõi nguồn nước trong ao, hạn chế lấy nước vào ao, nhất là thời điểm nguồn nước cấp bên ngoài có độ mặn cao và hiện là thời điểm các dịch bệnh hay phát sinh nên khi lấy nước vào dễ bị lây dịch bệnh. Ngoài ra, tôi tăng cường khẩu phần ăn cho tôm, cá, đối với thức ăn cho cá vược là những loại cá tạp thì lựa chọn cá còn tươi.

Những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Thái Thụy thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn kèm theo các trận mưa rào đầu mùa đã làm cho môi trường ao nuôi biến đổi bất lợi dẫn đến sức đề kháng của đối tượng nuôi giảm, nhất là tạo điều kiện cho bệnh đốm trắng trên tôm. 

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tại một số ao, đầm ở các địa phương ven biển đã xuất hiện tình trạng tôm chết do bị bệnh đốm trắng. Để phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi và ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh lây lan, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các HTX NTTS trên địa bàn tập trung đốn đốc, hướng dẫn các hộ NTTS thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi. 

Theo đó, thường xuyên theo dõi, nếu thấy tôm chết bất thường cần báo ngay cho chính quyền địa phương để cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn thực hiện ngay việc thu gom, tiêu hủy, không được vứt xác tôm chết bừa bãi ra kênh mương thủy lợi làm ảnh hưởng đến môi trường nước và các hộ nuôi tôm trong khu vực. Đồng thời, xử lý triệt để mầm bệnh bằng hóa chất Chlorine nồng độ 30ppm, giữ nguyên mực nước trong ao từ 7 - 10 ngày mới xả ra ngoài. Khuyến cáo hộ nuôi tôm thời gian này hạn chế lấy nước vào ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, giữ ổn định môi trường nước trong ao nuôi. Vào những ngày trời mưa nên dùng vôi bột rải xung quanh bờ ao trước khi mưa để ngăn nước mưa mang lượng phèn chua và các chất bẩn vào ao nuôi... UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện tăng cường cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày