Thứ 6, 15/11/2024, 05:12[GMT+7]

Những ông chủ trẻ trên đất Hồng Lĩnh

Thứ 5, 26/08/2010 | 10:49:29
2,811 lượt xem
Những năm gần đây, nền kinh tế - xã hội của Hồng Lĩnh - Hưng Hà có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao. Nền tảng của sự phát triển đó là phong trào làm kinh tế giỏi do các ngành, đoàn thể trong xã phát động thực hiện có hiệu quả, nổi bật là cuộc vận động "Thanh niên giúp nhau lập nghiệp" đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Đoàn viên thanh niên Hà Văn Thượng xã Hồng Lĩnh - Hưng Hà. Ảnh: Thành Tâm

Anh Phạm Văn Nhân - Bí thư xã đoàn cho biết: Hồng Lĩnh hiện có trên chục triệu phú là ĐVTN, họ đã kỳ công gây dựng nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, cây cảnh hay những mô hình trang trại VAC… hàng năm cho thu nhập từ một đến vài trăm triệu đồng. Một xã thuần nông như Hồng Lĩnh với hơn 200 ĐVTN có mặt tại địa phương mà đã có trên 50 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 15 triệu đồng /năm trở lên, trong đó có hàng chục mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, mới nghe thôi thì chưa thể tin.

Bởi vậy, chúng tôi đã trực tiếp "mục sở thị" những mô hình làm kinh tế giỏi đó và hiểu rằng, họ đã "vắt óc" như thế nào trên từng tấc đất để làm cho đất nảy nở, sinh sôi những mùa vàng bội thu. Chưa đầy 5 phút từ trụ sở UBND xã, chúng tôi đã lọt thỏm vào "mê trận" giữa bạt ngàn những trái vải chín xa ngút tầm mắt. Màu xanh của lá, của cây, của nước hồ phẳng lặng đã làm chúng tôi như quên đi cái nắng nóng đang hừng hực bên mình.

Với diện tích trên 2,5 ha, trang trại VAC của anh Nguyễn Ngọc Luyện, Phó Bí thư xã đoàn đã khiến các thành viên trong đoàn đi phải nể phục ý chí làm giàu của anh. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, nhà nghèo nhưng anh Luyện học rất giỏi, trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội ngay năm đầu tiên. Con đường công danh rộng mở khi tốt nghiệp ra trường anh đã có một công việc ổn định, thu nhập khá cao nhưng anh đã từ bỏ "nơi phồn hoa" để trở về mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" lập nghiệp theo mong muốn của bố mẹ - tiếp quản trang trại gia đình đang đà xuống dốc vào năm 2004.

Anh Luyện chia sẻ: Năm đầu tiên khi "chuyển nghề" do chưa có kinh nghiệm cộng với nguồn vốn ít tôi không dám đầu tư lớn, chủ yếu là thả các loại cá truyền thống và nuôi một số ít gia súc, gia cầm. Được sự quan tâm, động viên từ gia đình, bạn bè và tổ chức đoàn thanh niên nên tôi từng bước tích luỹ được kinh nghiệm và mở rộng quy mô sản xuất.

Nói về hiệu quả mô hình kinh tế của mình, anh Luyện cho biết: Mặc dù khu chăn nuôi chưa thật sự hoàn chỉnh như mong muốn, song bước đầu đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình, trung bình mỗi năm trừ các khoản chi phí, còn thu lãi từ 250 triệu - 300 triệu đồng.

Không những giỏi làm kinh tế, trên cương vị phó Bí thư đoàn xã, anh luôn năng nổ, nhiệt tình trong công tác phong trào; đồng thời luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn những bạn ĐVTN trong xã về kinh nghiệm trong chăn nuôi, cũng như cách phòng chống dịch bệnh.

Chia tay anh Luyện, chúng tôi đến thăm mô hình kinh doanh cây cảnh của anh Nguyễn Văn Thinh - 35 tuổi. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hồng Lĩnh, anh không có may mắn như nhiều người là được học đại học để có những ước mơ, hoài bão lớn cho tương lai sự nghiệp của mình. Nhưng anh luôn tâm niệm: Cuộc đời không ai giống ai, ai cũng có hoài bão, ước mơ và lý tưởng, mỗi người có một cách riêng để hoàn thiện ước mơ. Với suy nghĩ đó, anh đã lựa chọn học nghề cơ khí.

Được sự giúp đỡ của gia đình, người thân sau khi tích luỹ được kinh nghiệm từ một công ty tại Hải Phòng, năm 2002 anh đã mở cửa hàng kinh doanh máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay tại địa phương. Với niềm đam mê chơi cây cảnh từ nhỏ, khi đã tích luỹ được vốn anh chung vốn cùng chú kinh doanh cây cảnh trên đường quốc lộ 39B địa phận xã Hồng Lĩnh.

Do yêu cây, thích được chăm sóc cây, anh đã sắm cho mình những chiếc chậu cảnh đẹp nhất, những cây mà anh cảm thấy thích nhất. Cứ nghe thấy ở đâu có cây mới anh lại dò hỏi và mua bằng được dù ở ngoài Bắc hay trong Nam. Đến nay, tuy mới vào nghề được 2 năm nhưng số vốn mua cây hàng năm của anh lên tới cả chục tỷ đồng, với các loại cây như: sanh, đa, tùng, lộc vừng… Nhờ kỹ thuật uốn nắn và kinh nghiệm chăm sóc, mỗi năm anh thu lãi 400- 500 triệu đồng từ bán cây cảnh; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 thanh niên trong xã với thu nhập từ 2,5- 3, 5 triệu đồng/người /tháng.

Đứng giữa bạt ngàn cây, chúng tôi cảm nhận được sự tự hào của người dân nơi đây với những con người trẻ tuổi này. Họ, những thanh niên tiêu biểu của vùng quê thuần nông đã biết vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những triệu phú trẻ. Nhưng để có thành công như ngày hôm nay, không thể không kể đến vai trò của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ của các đoàn thể; trong đó có tổ chức Đoàn.

Anh Phạm Văn Nhân - Bí thư xã đoàn cho biết: Ban chấp hành đoàn xã luôn năng động trong việc tổ chức và xây dựng các câu lạc bộ chăn nuôi, trồng trọt… nhằm giúp ĐVTN trong xã có môi trường thuận lợi để tiếp xúc, gặp gỡ, học hỏi và cùng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế theo phương châm: “Lấy ngắn nuôi dài, tích luỹ nhỏ để dần đầu tư lớn”. Và xem ra, phương châm này đã phát huy tính tích cực của nó khi không ít ĐVTN từ tay trắng đã vươn lên có đời sống kinh tế khá giả, một số đã trở thành những ông chủ trẻ với gia sản được tính bằng tiền tỷ.

Minh Nguyệt

                                                                       

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày