Chủ nhật, 24/11/2024, 02:57[GMT+7]

Nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế VAC

Thứ 5, 24/06/2021 | 09:29:53
1,012 lượt xem
Thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế VAC theo hướng thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả cao.

Mô hình VAC của gia đình ông Phạm Văn Khản, xã Đông Vinh (Đông Hưng) thu về từ 400 - 500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Quang Minh, xã Tây Sơn (Kiến Xương) đầu tư phát triển kinh tế VAC từ nhiều năm nay. Trên diện tích 5 sào, anh đào ao thả cá, xây 500m2 chuồng nuôi gà, tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi để bón cho cây ăn quả. Với mô hình tổng hợp này, một năm gia đình anh thu về từ 500 - 700 triệu đồng. Anh Hùng cho biết: Trong chuồng nuôi của gia đình lúc nào cũng có gần 6.000 gà đẻ, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên không có mùi hôi, đàn gà phát triển tốt. Riêng năm 2020, tôi đã xuất bán gần 10 vạn trứng gà, hơn 1.000 ngan, vịt và cá thu về gần 700 triệu đồng.

Cũng làm giàu từ mô hình VAC tổng hợp, ông Phạm Văn Khản, xã Đông Vinh là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Đông Hưng. Ông Khản đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng nuôi lợn, hệ thống máng ăn, hệ thống làm mát trong chuồng nuôi, đồng thời xây dựng bờ ao kiên cố để thả các loại cá truyền thống. Ông Khản chia sẻ: Mô hình VAC của gia đình chuyển đổi từ vùng đất cấy lúa kém hiệu quả, tuy nhiên ban đầu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Được tham gia các lớp tập huấn do hội làm vườn và hội nông dân tổ chức, kết hợp tìm hiểu thêm kinh nghiệm, cách làm của người đi trước, tôi thiết kế chuồng nuôi khoa học, bảo đảm vệ sinh môi trường, trồng cây ăn quả vừa tạo bóng mát vừa tăng thêm thu nhập. Hiện nay, mô hình VAC của tôi có hơn 100 lợn thịt, lợn giống, ao nuôi cá cho thu hoạch gần 1 tấn cá, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu về từ 400 - 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất khi tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế VAC chính là việc đa phần hội viên sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, thời gian qua hội đã vận động những hộ gia đình có điều kiện xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất, hỗ trợ hội viên về vốn, khoa học kỹ thuật, làm đầu mối liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời giúp hội viên thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Năm 2020, Hội Làm vườn tỉnh phối hợp với ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, các doanh nghiệp, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình mở 199 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 6.507 lượt người tham dự; tổ chức 87 buổi tham quan mô hình với 2.544 cán bộ, hội viên tham gia. Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hội viên về vốn, giống cây, con, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng được các cấp hội duy trì thực hiện tốt. 100% hội làm vườn xã, phường của thành phố Thái Bình đã tổ chức làm dịch vụ bán trên 150.000 cây giống các loại như ổi, khế, xoài, vải và trên 260.000 con giống: cá, gà, lợn, ngan, vịt. Hội Làm vườn tỉnh cũng đã tín chấp với các tổ chức tín dụng cho 310 hội viên vay với số dư 3,93 tỷ đồng để phát triển kinh tế VAC, không để xảy ra nợ đọng, nợ quá hạn. Cùng với đó, tổ chức hội tập trung xây dựng các mô hình trình diễn như: trồng cây chuối tiêu hồng theo hướng VietGAP; tập huấn cho hội viên, nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi... và mở các lớp tập huấn, nhân rộng mô hình điển hình ra toàn tỉnh. Nhờ các hoạt động hỗ trợ của Hội Làm vườn tỉnh đã giúp nhiều hội viên có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên cải tạo vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình VAC tổng hợp; tổ chức thực hiện sâu rộng phong trào “Thi đua sản xuất VAC giỏi”. Tổ chức hội làm vườn các cấp cũng sẽ hướng dẫn hội viên phát triển kinh tế VAC bền vững, “nói không với chất cấm trong chăn nuôi”, bảo vệ môi trường, chung tay chống rác thải nhựa; chú trọng xây dựng các mô hình điểm hội viên phát triển kinh tế VAC để nhân rộng ra toàn tỉnh, đẩy mạnh hoạt động tín chấp giúp hội viên tháo gỡ khó khăn vốn, phát triển sản xuất, giúp hội viên nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày