Thứ 7, 23/11/2024, 21:24[GMT+7]

Chủ động ngăn chặn cúm gia cầm A/H5N8

Thứ 2, 02/08/2021 | 08:52:08
1,097 lượt xem
Trước tình hình dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N8 xuất hiện tại huyện Kiến Xương, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát và phòng, chống dịch lây lan.

Tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện có gần 14 triệu con.

Ngay sau khi xuất hiện dịch cúm A/H5N8, huyện Kiến Xương đã công bố dịch bệnh CGC A/H5N8 trên địa bàn thị trấn Kiến Xương, xác định vùng bị dịch uy hiếp (5 xã), vùng đệm (11 xã), triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Bà Bùi Thị Minh Thành, Quyền Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Ngay sau khi có vắc-xin phòng CGC hỗ trợ, Trạm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẩn trương cấp phát cho thị trấn Kiến Xương và 5 xã vùng bị dịch uy hiếp, đồng thời đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng.

Trên địa bàn huyện Vũ Thư hiện có khoảng 1 triệu con gia cầm. Tuy chưa xuất hiện CGC A/H5N8 song nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao do vi rút CGC rất dễ biến chủng, Vũ Thư là huyện có ổ dịch cũ (năm 2018 xảy ra dịch CGC tại xã Việt Hùng), huyện đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Là địa phương giáp ranh với huyện Kiến Xương, nơi đang có dịch CGC A/H5N8, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới nuôi, chưa được tiêm phòng. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc.

Với tổng đàn gia cầm trên 1,6 triệu con, mật độ chăn nuôi cao, để phòng, chống CGC, huyện Quỳnh Phụ đã cấp phát trên 3.000kg hóa chất cho các xã, thị trấn thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; quan tâm chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm vụ xuân hè với tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80%. Là một trong những hộ chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, ông Đào Duy Hiền, thôn Thượng Hạ Phán, xã Quỳnh Hoàng cho biết: 

Gia đình tôi nuôi gà thịt với quy mô 4.000 con. Việc phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm được gia đình tuyệt đối tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Cùng với làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tôi chọn mua gà giống tại các công ty có uy tín, tuy chi phí cao hơn khoảng 4.000 đồng/con nhưng gà trước khi xuất bán đã được tiêm phòng đầy đủ, tỷ lệ hao hụt thấp.

Hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia cầm; tổng đàn gia cầm của tỉnh rất lớn (gần 14 triệu con), nhất là đàn thủy cầm, mật độ chăn nuôi cao; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin CGC tại các địa phương trong tỉnh còn thấp nên nguy cơ CGC, đặc biệt là cúm A/H5N8 phát sinh, lây lan rất lớn. Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Kháng nguyên của chủng cúm A/H5H8 khá tương đồng với chủng cúm A/H5N6. Nếu thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N6 thì có thể phòng dịch hiệu quả đối với chủng cúm A/H5N8. Vì vậy, công tác tiêm phòng là một trong những biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch lây lan. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, xác minh dịch bệnh, lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút CGC để cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị, cung ứng đầy đủ vật tư chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là chủng cúm A/H5N8; hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi gia cầm tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động giám sát gia cầm, khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp can thiệp và xử lý, khống chế dịch bệnh kịp thời.

 Người chăn nuôi xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) chủ động phun vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh.

Hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học phòng bệnh cúm gia cầm A/H5N8

- Mua giống: Chỉ chọn mua gia cầm giống ở những cơ sở được cấp phép, an toàn dịch bệnh, có uy tín, con giống khỏe mạnh và có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
- Gia cầm mua về phải nuôi cách ly trong 2 - 3 tuần để theo dõi, nếu gia cầm khỏe mạnh bình thường thì cho nhập đàn, nếu gia cầm có biểu hiện bất thường thì phải có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Khi nuôi gia cầm thực hiện nguyên tắc “cùng vào, cùng ra” trong một khu vực chăn nuôi.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm hoặc nghi mắc bệnh.
- Kiểm soát tốt mọi thứ ra, vào khu vực chăn nuôi: Con giống, người chăn nuôi, khách tham quan, thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, sản phẩm và chất thải chăn nuôi, động vật khác... Có biện pháp không cho gia cầm tiếp xúc với với thủy cầm, bồ câu, chim trời, không nuôi chung các loại gia cầm với nhau và với gia súc khác.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, thu gom phân, rác, phun thuốc khử trùng từ 1 - 2 lần/tuần.
- Cho gia cầm ăn thức ăn, nước uống sạch, đầy đủ và phù hợp theo lứa tuổi.
- Bổ sung khoáng chất, vitamin, chất điện giải để chống stress cho gia cầm khi thời tiết thay đổi đột ngột, sau khi vận chuyển hoặc khi tiêm vắc-xin.
- Tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm để tạo miễn dịch chủ động: Tiêm lần 1 lúc 15 ngày tuổi, lần 2 cách lần 1 4 tuần, sau đó cứ 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gia cầm. Khi có gia cầm ốm hoặc chết do các bệnh khác phải cách ly ngay khỏi đàn để hạn chế bệnh lây lan và có biện pháp điều trị phù hợp.

Trung tâm khuyến nông thái Bình


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày