“Giữ ấm” cho vật nuôi
Từ mấy ngày trước, khi nghe thông tin về đợt rét đậm, rét hại, gia đình ông Đặng Văn Chính, xã Minh Khai (Vũ Thư) đã chủ động che chắn chuồng trại chăn nuôi bò thịt bằng phông bạt; tích trữ thức ăn tinh và cỏ để bổ sung năng lượng, chống rét cho bò. Ông Chính cho biết: Đàn bò là khối tài sản lớn của gia đình do đó, trước khi mùa đông bắt đầu tôi đã sửa chữa, che chắn chuồng trại đồng thời cho bò ăn thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, bảo đảm cho bò phát triển khỏe mạnh. Tôi cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, rác bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, không bị đọng nước.
Chăn nuôi gà thịt với số lượng lớn từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Bá Chuẩn, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) đã có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, bảo vệ đàn gà trước rét đậm, rét hại. Vì vậy, đàn gà của gia đình ông Chuẩn phát triển khỏe mạnh. Ông Chuẩn cho biết: Gia đình tôi duy trì nuôi 4.000 gà ri lai mỗi lứa. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và gây bệnh cho vật nuôi nói chung, đàn gà nói riêng. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh, bảo đảm chăn nuôi an toàn, giảm thiểu thiệt hại luôn được tôi chú trọng. Mặc dù chuồng trại đã được xây dựng khép kín, chắn gió tương đối tốt, tuy nhiên vào những ngày nhiệt độ giảm sâu, tôi vẫn phải sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng 24/24 giờ để tăng nhiệt độ chuồng nuôi, giữ ấm cho gà.
Hiện nay, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh trên 56.000 con, đàn lợn trên 600.000 con, đàn gia cầm trên 13 triệu con. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhìn chung người chăn nuôi đã có những kinh nghiệm thiết thực và thường chủ động phòng, chống mỗi khi nhiệt độ giảm sâu, chưa ghi nhận trường hợp vật nuôi chết do rét. Một số biện pháp phổ biến được nông dân áp dụng là không chăn thả vật nuôi ngoài trời khi thời tiết giá rét; đặc biệt là bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, cám…), vitamin và khoáng chất.
Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương không nên chủ quan với rét đậm, rét hại, cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hộ chăn nuôi, chủ trang trại thực hiện các biện pháp chống rét để bảo vệ đàn vật nuôi. Về chuồng trại, làm mới hoặc sửa chữa, củng cố chuồng trại bảo đảm đủ diện tích, nền chuồng luôn khô ráo, ấm và thoáng khí. Với kiểu chuồng hở, thực hiện che chắn chuồng trại bằng rèm, bạt sao cho che kín, tránh mưa hắt, gió lùa; có đủ chất độn lót chuồng; có lồng/chuồng úm gia súc, gia cầm non. Đối với gia súc: trâu, bò… không chăn thả khi nhiệt độ môi trường xuống thấp dưới 120C và cần nuôi nhốt trong chuồng trại; làm và mặc áo ấm cho vật nuôi bằng các vật liệu như: bao tải; chăn, vải cũ… Sử dụng bóng đèn điện tròn hồng ngoại để sưởi, giữ ấm chuồng trại; hoặc có thể sử dụng các nhiên liệu để đốt sưởi như: trấu, củi, than…Trong quá trình đốt sưởi phải chú ý phòng hỏa hoạn và thoát khí độc (CO2, CO,…). Về thức ăn và nước uống, cho gia súc, gia cầm ăn uống đầy đủ. Đối với trâu bò, cần bảo đảm dự trữ rơm khô hoặc thức ăn ủ chua, bình quân từ 5 - 7kg/con/ngày; trong những ngày giá rét, bổ sung thêm thức ăn tinh như cám, ngô, gạo khoảng 1 - 2 kg/con/ngày, cho uống nước ấm có pha muối loãng (20 - 30gram muối/con/ngày). Đối với lợn và gia cầm thương phẩm cho ăn theo khẩu phần tự do; đối với lợn, gia cầm sinh sản tăng khẩu phần từ 15 đến 20% so với mức ăn bình thường và tăng cường dinh dưỡng, chú trọng bổ sung thuốc bổ như vitamin B, C, các men tiêu hóa...; những ngày rét đậm cần pha nước ấm cho vật nuôi uống. Tăng cường thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định.
Để chống rét cho vật nuôi, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, ấm và thoáng khí.
Nhiệt độ xuống thấp, kết hợp mưa ẩm kéo dài làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh nguy hiểm như vi rút dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, viêm da nổi cục trên trâu bò… tồn tại và phát triển, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo hộ chăn nuôi tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe đàn vật nuôi để kịp thời báo cho cán bộ thú y cơ sở phối hợp xác minh dịch bệnh, có biện pháp xử lý, hướng dẫn điều trị nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng