Chủ nhật, 10/11/2024, 05:40[GMT+7]

Mật ngọt từ đất khó

Thứ 6, 18/03/2022 | 08:32:58
7,210 lượt xem
Từ vùng đất trũng, cấy lúa không hiệu quả, chị Nguyễn Thị Oanh, thôn Lộ Vị, xã Thăng Long (Đông Hưng) một nắng hai sương cần mẫn cải tạo, trồng cây, bắt đất khó cho mật ngọt.

Trồng hoa, cây cảnh đem lại nguồn thu lớn cho chị Nguyễn Thị Oanh.

Nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp chị Oanh. Nghe quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngắm mảnh vườn đầy hoa thơm, quả ngọt càng khâm phục nghị lực vượt khó, làm giàu của chị. Năm 1983, chị Oanh lập gia đình, tay trắng lập thân, chị cùng chồng phải bươn trải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Vất vả, khó nhọc không nề hà song thu nhập không đáng là bao, cái nghèo vẫn quẩn quanh. Vì thế, năm 2001 chị Oanh bàn với chồng mạnh dạn chuyển đổi 1.500m2 ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả của gia đình sang chuyên canh các loại rau màu như ớt, củ đậu, su hào, bắp cải, dưa hấu, dưa lê... Trồng rau màu phụ thuộc nhiều vào thời tiết, hay bị sâu bệnh hại, thường xuyên phải đối mặt với cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến thu nhập bấp bênh. Không cam chịu đói nghèo, năm 2010 chị Oanh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuyển đổi lên trên 4.500m2. Với phương châm “không cho đất nghỉ”, “lấy ngắn nuôi dài”, chị trồng đa dạng các loại cây, từ cây cảnh đến cây ăn quả. Cây được chị tính toán trồng xen kẽ, thâm canh, phân tầng để lúc nào vườn cũng cho nguồn thu. 

Trong thời gian chờ cây ăn quả thì thu từ cây giống, cây cảnh, cây hoa ngắn ngày; trên giàn chị trồng thiên lý, dưới chị trồng cây cảnh, khi táo thu hoạch xong là đến mùa thanh long, ổi... 

Chị Oanh cho biết: Khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình chuyển đổi khó khăn rất nhiều, vốn ít, thiếu kinh nghiệm, tôi phải vừa làm vừa mày mò học hỏi từ bạn bè, từ sách báo, trên mạng để biến thất bại thành thành công. Hiện trong vườn có 100 gốc táo, 300 gốc thanh long, 200 gốc ổi lê Đài Loan, 100 gốc na, 50 gốc mít, bưởi diễn, chanh, 1.000 cây hoa giấy các loại, 200 gốc quất, hàng trăm cây hoa mộc hương, mẫu đơn, trạng nguyên... Tôi còn nuôi 150 con gà Đông Tảo thả vườn để có thêm thu nhập.

Để cây trong vườn cho trái ngọt, chị Oanh không chỉ lựa chọn giống chất lượng mà còn chú ý đến việc chăm sóc. Với ổi, táo sau thu hoạch, chuẩn bị vào quả bón nhiều kali, phân, bọc quả ổi bằng túi nilon và xốp để bảo vệ quả không bị ruồi vàng phá hoại. Với thanh long cung cấp đủ nước, đặc biệt là trong thời điểm mùa khô hoặc cây đang phát triển, chuẩn bị ra trái, trái sắp chín và phòng, trừ cỏ dại, bón phân 4 - 6 lần/năm vào các thời kỳ: phục hồi thanh long sau thu hoạch, dưỡng dây, tạo mầm hoa, nuôi hoa, nuôi trái non. Chị còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động vừa giảm chi phí, tiết kiệm nước và thời gian vừa giảm công lao động. Với cách làm đó, dù diện tích không nhiều nhưng mỗi năm chị Oanh thu từ mô hình chuyển đổi gần 300 triệu đồng, giải quyết việc làm theo thời vụ cho 3 - 4 lao động địa phương. Để tận dụng lợi thế gần quốc lộ 39, chị thuê thêm 5 sào ruộng của các hộ không cấy xung quanh đào ao nuôi một số con đặc sản như ếch, ốc nhồi..., kết hợp mô hình kinh tế vườn với phát triển du lịch sinh thái.

Chị Đỗ Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thăng Long cho biết: Chị Oanh là một trong những hội viên tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Với cách làm riêng, chị đã gặt hái thành công đưa gia đình thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Dù bận rộn phát triển kinh tế gia đình song chị Oanh vẫn tích cực tham gia hoạt động hội cũng như các phong trào của xã. Chị và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Không chỉ là điển hình làm kinh tế giỏi, gia đình chị Oanh liên tục đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Chị Nguyễn Thị Oanh, xã Thăng Long trồng đa dạng các loại cây trong vườn để lúc nào cũng có nguồn thu.

Thu Hiền