Thứ 3, 19/11/2024, 03:21[GMT+7]

Bách Thuận Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Thứ 6, 08/03/2013 | 08:44:28
2,335 lượt xem
Thực tế cho thấy, những chủ trang trại ở Bách Thuận đã xác định rõ hướng đi, coi chăn nuôi như một nghề chính của gia đình, đầu tư chuồng trại hiện đại, quanh năm cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Trang trại nuôi lợn nái của một hộ gia đình xã Bách Thuận (Vũ Thư).

Bách Thuận là xã có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh của huyện Vũ Thư. Mấy năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi mà đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhiều hộ đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

 

Năm 2012 là năm có nhiều khó khăn đối với chăn nuôi ở Bách Thuận. Nguyên nhân do thức ăn gia súc tăng cao, đồng thời đầu ra bấp bênh, dịch bệnh ở các địa phương khác bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn.  Song, giá trị chăn nuôi vẫn chiếm 75,5% trong sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 700 gia trại, trang trại với đàn lợn 20.000 con, giá trị ước đạt 70 tỷ đồng; đàn gia cầm tuy giảm song vẫn đạt 86.000 con, giá trị ước đạt 6.450 triệu đồng. Qua đó khẳng định chăn nuôi là thế mạnh giúp Bách Thuận tăng trưởng kinh tế hàng năm. Hướng phát triển chăn nuôi bền vững ngày càng được người dân quan tâm, nhất là việc chủ động nguồn giống, chăn nuôi theo mô hình khép kín tránh tình trạng bệnh dịch nơi khác xâm nhập làm ảnh hưởng đến chăn nuôi của địa phương.

 

Một số hộ đầu tư vốn phát triển trang trại chăn nuôi công nghiệp như trang trại nuôi lợn nái ngoại của anh Nguyễn Văn Vui, khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi lợn thương phẩm với hệ thống chuồng trại hiện đại, xây dựng  theo tiêu chuẩn của Công ty CP Thái Lan, nuôi 13 nái ngoại, 180 con lợn thịt. Gia đình anh Nguyễn Như Nhượng có diện tích 1 mẫu vườn trồng cây cảnh, 3 sào ao nuôi ba ba; anh xây 3 dãy chuồng nuôi 11 con lợn nái, trên 100 con lợn con, 70 con lợn thịt. Cùng đi với cán bộ thú y xã, đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Như Thỏa - một trong những hộ chăn nuôi có tiếng của xã. Chuồng trại được anh xây sạch sẽ, có diện tích trên 450 m2, ngoài chăn nuôi lợn thịt anh nuôi lợn nái để tạo ra con giống, mỗi lứa nuôi 300 con, một năm thu từ 200-400 triệu đồng; ngoài ra trang trại của gia đình anh còn nuôi gà, xuất chuồng 1 tấn/lứa.

 

Tâm sự với chúng tôi, anh Thỏa cho biết: Từ thực tế chăn nuôi gia đình, anh đúc rút kinh nghiệm cần có nguồn giống tốt, trang trại phải bảo đảm vệ sinh, sự tạo điều kiện quan tâm của chính quyền và để việc chăn nuôi hiệu quả phải tích cực học tập những kiến thức về chăn nuôi, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong chăn nuôi có lúc được, lúc mất song không vì thế mà nản chí, phải biết kiên trì, thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh chuồng trại và môi trường để phòng tránh dịch bệnh. Nhờ tích cực tham gia học hỏi các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp tập huấn về chăn nuôi bằng cám công nghiệp, quy trình kỹ thuật chọn giống, sử dụng thuốc thú y cùng với kinh nghiệm tích lũy được nên trang trại của gia đình anh cho lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng.

 

Thực tế cho thấy, những chủ trang trại ở Bách Thuận đã xác định rõ hướng đi, coi chăn nuôi như một nghề chính của gia đình, đầu tư chuồng trại hiện đại, quanh năm cung cấp sản phẩm cho thị trường. Điều hộ chăn nuôi mong muốn các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách  khuyến khích chăn nuôi, quản lý chất lượng con giống, điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, kiểm soát cung ứng thuốc thú y, quan tâm đến đội ngũ thú y viên cơ sở. Đối với xã Bách Thuận cần coi trọng các yếu tố để chăn nuôi phát triển bền vững, đó là xử lý ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh; có cơ chế, chính sách phát triển vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch xa khu dân cư như vùng nuôi thả thủy sản tại thôn Thuận Nghiệp. Phấn đấu năm 2013, giá trị chăn nuôi của xã đạt trên 98 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày