Chủ nhật, 24/11/2024, 01:40[GMT+7]

Làm giàu trên quê hương

Thứ 2, 21/11/2022 | 08:36:39
13,324 lượt xem
Mặc dù tuổi cao nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Tiến, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) vẫn hăng say lao động, cùng các con phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiến (người bên trái) đầu tư máy móc phục vụ sản xuất.

Năm 1971, CCB Nguyễn Văn Tiến xuất ngũ trở về địa phương đảm nhận chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thượng, đồng thời phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn. Từ 3 con lợn nái ban đầu, sau 5 năm ông Tiến đã phát triển quy mô nuôi gần 10 con lợn nái, hàng trăm con lợn thịt, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng chục tấn lợn hơi. Tuy nhiên, do gia đình chăn nuôi trong khu dân cư đã phát sinh mùi hôi và tiếng ồn, ảnh hưởng tới đời sống của người dân xung quanh nên ông phải tìm hướng sinh kế mới cho gia đình.

Năm 2005, CCB Nguyễn Văn Tiến dành toàn bộ số vốn tích góp từ chăn nuôi lợn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời điểm đó, việc đầu tư hàng trăm triệu đồng vào làm ruộng là một quyết định hết sức mạo hiểm bởi hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa phát triển, rất khó đưa máy móc xuống đồng; chi phí đầu tư lớn nhưng người dân lại chưa mặn mà với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Ông Tiến chia sẻ: Khi tôi đưa ra ý tưởng sẽ đầu tư máy gặt, máy cấy để làm thuê cho nông dân, mọi người trong gia đình ai cũng phản đối và đều bảo rằng “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ” thì biết đến bao giờ giàu được. Thế nhưng, với quyết tâm của người lính, tôi quyết định đầu tư và đã gặt hái thành công.

Với quyết tâm của mình, ông Tiến khởi nghiệp với những chiếc máy cày, máy cấy và hơn 1ha đất ruộng tích tụ của gia đình. Sau 15 năm miệt mài lao động, ông đã có trong tay cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng với hệ thống lò sấy thóc, 2 xe tải lớn, 2 máy cày, 1 máy gặt, máy xát gạo cùng hơn 21ha ruộng tích tụ thuê của hơn 100 hộ dân trong, ngoài xã. 

“Chứng kiến người dân trong xã đến mùa gặt lại tất bật phơi thóc ra đường gây mất an toàn giao thông và rất vất vả mỗi khi trời mưa mà chất lượng sản phẩm thu về không bảo đảm, tôi quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng mua lò sấy thóc để phục vụ nông dân. Từ ngày có máy sấy thóc, mỗi khi đến vụ thu hoạch gia đình tôi lại vui như hội vì người dân đến sấy thóc nhiều, tôi phải vận hành lò hết công suất. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về từ 400 - 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động thời vụ với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng” - CCB Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.

Nếu như trước kia, bà con phải phụ thuộc vào thời tiết để thu hoạch lúa chín, phơi thóc ra sân, đường đi gây mất an toàn giao thông thì hiện nay với lò sấy thóc của gia đình ông Tiến, họ đã có thể chủ động trong thu hoạch, không lệ thuộc vào thời tiết. Vì thóc sấy trong nhiệt độ ổn định nên chất lượng, màu sắc hạt gạo đẹp hơn, ít sạn hơn, người dân có thể bảo quản lâu hơn so với phương pháp phơi truyền thống. Người dân nếu có nhu cầu bán gạo thì gia đình ông Tiến cũng nhận xay xát và bao tiêu sản phẩm, thị trường xuất bán khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Ông Đỗ Xuân Diệu, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳnh Phụ đánh giá: Mặc dù tuổi cao nhưng hội viên Nguyễn Văn Tiến là người dám nghĩ, dám làm, hăng say lao động sản xuất. Dù trên cương vị là hội viên hội nông dân hay hội viên CCB thì ông Tiến luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công tác hội, giúp đỡ con em CCB có được việc làm, hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế do tổ chức hội phát động. Trong khi nhiều gia đình không “mặn mà” với ruộng đồng thì hội viên Tiến lại làm giàu từ ruộng. Từ cách làm của CCB Nguyễn Văn Tiến, Hội CCB huyện Quỳnh Phụ sẽ tổ chức cho hội viên có nhu cầu đi tham quan, học tập kinh nghiệm để học tập và làm theo.


Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày