Chủ nhật, 10/11/2024, 15:27[GMT+7]

Nông sản Việt Nam tìm cơ hội chinh phục thị trường Nhật Bản

Thứ 3, 17/01/2023 | 15:17:38
2,521 lượt xem
Các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản, thực phẩm đã xuất khẩu sang Nhật Bản tương đối tốt thời gian qua. Song, dư địa cho các sản phẩm này vẫn còn rất lớn.

Sản phẩm củ cải muối được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tin vui ngày đầu năm

Những ngày đầu năm 2023, bà con huyện miền núi Xín Mần (Hà Giang) đón tin vui khi cuối tuần qua, tại xã Nàn Ma, UBND huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) phối hợp Công ty TNHH VietNam Misaki (Nhật Bản) tổ chức xuất khẩu 18 tấn củ cải muối sang thị trường Nhật Bản. Đây là “quả ngọt” từ việc liên kết chuỗi giá trị giữa Hà Giang với Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Nhật Bản).

Để có những lô hàng củ cải muối xuất khẩu đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp đã liên kết chặt chẽ với bà con nông dân các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu khảo sát, kiểm tra, đáp ứng yêu cầu về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã cung ứng giống, vật tư phân bón cho bà con nông dân. Sau đó, sản phẩm được bán lại cho công ty theo đúng cam kết.

Chương trình bao gồm các sản phẩm như: Củ cải, gừng trâu, các mô hình liên kết củ kiệu, tre Bát Độ. Phía doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã hoàn thiện xưởng sơ chế và chế biến sâu củ cải quy mô 1.000 tấn/năm.

Sự kiện này là cơ hội để tổ chức phát triển sản phẩm nông sản tại Hà Giang theo hướng hàng hóa, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Theo kế hoạch, lô hàng củ cải đầu tiên sẽ xuất bến cảng Việt Nam và cập cảng Nhật Bản trong cuối tháng 1/2023.

Tin vui đầu năm này đã mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam tận dụng cơ hội tốt hơn nhằm tiến sâu vào thị trường Nhật Bản. Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, thị trường này đang có xu hướng tìm nguồn cung cấp thay thế rất nhiều sản phẩm mà trước đến nay họ chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Khu vực mà các nhập khẩu Nhật Bản hướng đến là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 2,07 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước đó. Trong năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,3% so cùng kỳ năm trước.

Nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được thị trường Nhật Bản ưa chuộng như hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; nông sản…

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhất là liên quan tới mặt hàng nông sản, thực phẩm, theo các chuyên gia từ Nhật Bản, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.

Các doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các nguồn cung về nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến, các sản phẩm từ bún gạo, thủy sản, các sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng đựng thực phẩm và các sản phẩm bán trong cửa hàng tạp hóa…

Nhóm sản phẩm mà Nhật Bản có nhu cầu khá đa dạng, có thể kể đến một số các sản phẩm Việt Nam đang có rất tiềm năng như thực phẩm chế biến, nông sản, trái cây, các sản phẩm từ bún gạo, thủy sản. Các doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các nguồn cung về các sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng đựng thực phẩm và các sản phẩm bán trong cửa hàng tạp hóa.

Bí quyết chinh phục thị trường

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chỉ rõ, hiện có khá nhiều sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, tuy nhiên chỉ mới chủ yếu phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Nhật mà chưa mở rộng được đến các kênh phân phối lớn như hệ thống siêu thị để tiếp cận người Nhật bản địa. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu chỉ hướng tới nhóm khách hàng là người Việt tại Nhật Bản thì rất nhanh chóng đạt đến độ bão hòa và khó nâng cao giá trị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, xuất phát từ tập quán thương mại, hầu hết nhà nhập khẩu Nhật Bản chỉ ưu tiên nhập sản phẩm và phân phối dưới tên thương hiệu Nhật Bản. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không quảng bá được thương hiệu riêng và gia tăng giá trị trên sản phẩm.

Ngoài ra, Nhật Bản có những yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng cũng như quy chuẩn kỹ thuật mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được.

Chưa kể, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn mà phía bạn đặt ra, nhất là về trang thiết bị sản xuất, nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ nước khác, trong khi phía Nhật Bản mong muốn sản phẩm sử dụng chính nguyên liệu từ Việt Nam.

Rau quả Việt Nam cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa để chinh phục thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa vào Nhật cũng cần lưu ý, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm… Riêng với sản phẩm dệt may, phải thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.

Ông Kazaoka Takao, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách khối thu mua của AEON Việt Nam khẳng định: Trong những năm qua, AEON luôn nỗ lực triển khai nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản bằng các hoạt động kết nối cung cầu, xuất khẩu hàng hóa và xúc tiến thương mại của Tập đoàn AEON Nhật Bản cũng như các công ty thành viên tại Việt Nam.

“Thị hiếu khách hàng có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19, điển hình như việc tìm kiếm các sản phẩm phục vụ xu hướng sống khỏe. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý”, ông Kazaoka Takao cho biết.

Ông Fukui Tomoaki, Giám đốc Bộ phận thương mại, Trung tâm thương mại AEON Hà Đông giải thích thêm, thị trường Nhật Bản có những tiêu chuẩn riêng và AEON cũng vậy. Để sản phẩm có thể góp mặt trên các kệ hàng của chuỗi siêu thị AEON, doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng.

Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đến tiêu chuẩn quốc tế và chuyên ngành. “Nếu Việt Nam có một quy trình sản xuất, kỹ thuật bảo quản, chế biến nông sản bằng phương pháp đông lạnh tốt thì có thể xuất khẩu được nông, thủy sản số lượng lớn và quanh năm sang Nhật Bản”, ông Fukui Tomoaki gợi ý.

Theo Nhân Dân