Thứ 7, 23/11/2024, 21:15[GMT+7]

Hiệu quả từ chuyên canh rau muống

Chủ nhật, 13/08/2023 | 09:56:25
2,846 lượt xem
Rau muống là loại rau dễ trồng, nhu cầu tiêu thụ cao, do đó thời gian qua, nhiều nông dân xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyên canh trồng rau muống mang lại thu nhập khá.

Chuyên canh rau muống mang lại thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/sào/năm.

Cánh đồng thôn Lương Mỹ trước đây chuyên canh lúa hoặc xen canh lúa - ớt, rau màu các loại. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao do thị trường tiêu thụ không ổn định nên nhiều hộ chuyển đổi sang trồng rau muống. Từ một vài hộ, đến nay thôn Lương Mỹ có trên 200 hộ trồng với diện tích khoảng 13ha. 4 sào rau muống là nguồn thu nhập chính của vợ chồng bà Đặng Thị Nụ, thôn Lương Mỹ. Trung bình cứ 15 - 20 ngày bà Nụ thu hoạch một lứa rau, mỗi sào khoảng 1.000 mớ. 

Bà Nụ cho biết: Rau muống là cây thân mềm, ngắn ngày, dễ trồng, trồng một lần thu hoạch được lâu, lại có thể trồng nhiều lần liên tục trên cùng một chân đất nên không tốn nhiều công chăm sóc. Có lẽ do hợp chất đất nên chỉ có ở Lương Mỹ mới trồng nhiều rau muống và được thương lái, bếp ăn tập thể ưa chuộng bởi rau giòn, ngọt. Cứ chiều mát chúng tôi đi cắt, bó lại, thương lái xuống tận ruộng đếm mớ tính tiền, thu nhập cao hơn nhiều lần cấy lúa.

Ký kết hợp đồng cung ứng rau cho bếp ăn tập thể của một doanh nghiệp trong xã, bà Nguyễn Thị Mận, thôn Lương Mỹ luôn tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trồng rau an toàn. 

Bà Mận cho biết: Nhờ kỹ thuật canh tác cao, rau muống ở Lương Mỹ có thể thu hoạch quanh năm, tuy nhiên vào mùa lạnh thời gian sinh trưởng của rau chậm hơn và năng suất ít hơn. Khoảng tháng 10, khi thời tiết se lạnh, chúng tôi sẽ cấy lại 1 sào để làm giống cho vụ sau. Diện tích còn lại sẽ được cấy thay mới vào tháng giêng, tháng hai. Trước khi cấy, ruộng phải được cày, bừa kỹ như cấy lúa, đồng thời dọn dẹp tàn dư sâu bệnh, cây trồng ở vụ trước bằng vôi bột, sau đó dùng phân chuồng ủ hoai mục bón lót. Rau dùng để cấy được chọn từ những ngọn già, nhiều nhánh; cấy thành từng hàng, sau khoảng 20 ngày được thu hoạch lứa đầu. Bí quyết với người trồng rau muống ở Lương Mỹ chính là tro từ rơm, rạ. Định kỳ hoặc khi rau muống bị vàng lá, đốm lá, chúng tôi sẽ dùng tro từ rơm, rạ rắc một lượt giúp trị bệnh, cung cấp kali cho cây rau giòn và xanh. Đối với các bệnh khác, chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tuân thủ đúng thời gian cách ly để bảo đảm rau an toàn cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi sào rau trừ chi phí chúng tôi thu về từ 8 - 10 triệu đồng/năm.

Diện tích trồng rau muống ở xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) khoảng 15ha, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Lương Mỹ.

Xã Quỳnh Hội là địa phương chuyên canh rau muống lớn nhất tỉnh với diện tích 15ha, trong đó tập trung chủ yếu tại thôn Lương Mỹ với diện tích 13ha. Để nâng cao thu nhập, tiến tới xây dựng thương hiệu rau muống Quỳnh Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quỳnh Hội đã xây dựng mô hình “Phụ nữ Quỳnh Hội sản xuất rau an toàn” thu hút 50 hội viên là những chị em đã có kinh nghiệm trồng rau. 

Bà Nguyễn Thị Đoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quỳnh Hội cho biết: Mô hình này không chỉ giúp hội viên phụ nữ thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bền vững mà còn giúp họ tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng liên kết thành lập các mô hình tổ hợp tác trồng rau màu an toàn, góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm rau chất lượng, giúp chị em phụ nữ nâng cao thu nhập theo hướng bền vững.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày