Chủ nhật, 10/11/2024, 05:36[GMT+7]

Thái Thụy: Phát triển nghề chế biến thủy sản

Thứ 4, 27/09/2023 | 08:30:48
8,307 lượt xem
Huyện Thái Thụy có 2.700ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; 1.570ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt; 465 phương tiện khai thác thủy sản. Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản cả năm đạt từ 95.000 - 100.000 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản ở địa phương.

Ngư dân Thái Thụy sau chuyến ra khơi thành công.

Làm giàu từ chế biến thủy sản

Là người sinh ra ở vùng ven biển, với mong muốn làm giàu từ biển, năm 2006, bà Tạ Thị Hạnh (thị trấn Diêm Điền) thành lập cơ sở chế biến hải sản An Bình. Mỗi năm cơ sở có thu nhập hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 - 40 lao động thời vụ với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Bà Hạnh cho biết: Ban đầu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít, trung bình mỗi ngày thu mua 5 - 7 tấn cá, tôm, sứa tươi...; sản phẩm chế biến chủ yếu là nước mắm, sứa muối, cá đông lạnh... Hiện nay cơ sở đã mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị, địa điểm chế biến rộng rãi. Trung bình mỗi năm cơ sở thu mua và chế biến, bán ra thị trường hơn 150 tấn sứa, 50 tấn tôm, cá các loại.

Chế biến thủy sản là nghề truyền thống ở thị trấn Diêm Điền. Hiện tại thị trấn có 1 chi hội chế biến hải sản do Hội Nông dân quản lý với 34 hội viên. Các hội viên duy trì và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ triển lãm... 

Ông Phạm Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền cho biết: Thị trấn có 114 tàu cá, trong đó 68 tàu cá có chiều dài trên 15m. Sản lượng khai thác đạt trên 17.000 tấn/năm. Đến nay thị trấn phát triển được 4 doanh nghiệp và 18 cơ sở chế biến thủy sản.

Kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ

Để phát triển nghề chế biến thủy sản, các cơ sở chế biến và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thái Thụy không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa một số sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử..., từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đầu ra, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cơ sở chế biến hải sản của chị Nguyễn Thị Hồng (thị trấn Diêm Điền) bắt đầu hoạt động từ năm 2017. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu là tôm, cá, mực, bề bề đông lạnh... đã qua sơ chế nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng, dễ bảo quản, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. 

Chị Hồng tâm sự: Trước đây sản phẩm của cơ sở chỉ bán ở chợ truyền thống nên sản lượng tiêu thụ ít. Từ khi đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, zalo, facebook và các nền tảng mạng xã hội khác cơ sở có nhiều khách hàng mới, thị trường tiêu thụ rộng hơn. Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất bán 2 - 3 tấn sản phẩm, mang lại thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Phát triển kinh tế biển là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó trọng tâm là nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản tại các xã Thụy Xuân, Thụy Hải và thị trấn Diêm Điền. Hiện nay huyện tập trung phối hợp cùng ban quản lý dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành các bước đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân tại xã Thụy Trường và xã An Tân (theo Quyết định số 592/QĐ-TTg, ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ); hoàn thiện các bước dự án đầu tư nâng cấp cảng cá Tân Sơn và các bến cá theo quy hoạch; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa hình thức, mặt hàng chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản duy trì, phát triển nghề và làng nghề chế biến gắn với quy hoạch khu vực thu gom, xử lý chất thải, nước thải bảo đảm môi trường sinh thái khu dân cư và môi trường ven biển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với những định hướng và giải pháp cụ thể, tin tưởng huyện Thái Thụy sẽ phát triển nghề chế biến thủy sản đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Sản phẩm sứa ăn liền của cơ sở chế biến hải sản An Bình.


Nguyễn Thắm