Chủ nhật, 10/11/2024, 06:00[GMT+7]

Bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa nếp Bể

Thứ 5, 19/10/2023 | 06:48:53
13,283 lượt xem
Là doanh nghiệp khoa học công nghệ, thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa nếp Bể Vũ Thư (nếp Keo) để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Bình”, góp phần bảo tồn nguồn gen quý bản địa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quý đang bị mai một.

Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn nếp Bể tại xã Duy Nhất (Vũ Thư).

Mặc dù đã gần 80 tuổi song bà Phạm Thị Nhi, thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất (Vũ Thư) vẫn gieo cấy trên 1 mẫu nếp Bể ở vụ mùa. Bà Nhi cho biết: Nếp Bể là giống lúa cổ truyền được người dân gieo cấy từ đời này sang đời khác. Thời gian qua, nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng được đưa vào đồng ruộng sản xuất nhưng người dân làng Keo vẫn một lòng duy trì cấy giống lúa quý của cha ông truyền lại. Nếp Bể có chất lượng vượt trội so với một số loại nếp hiện nay trên thị trường như: hạt gạo đều, tỷ lệ tấm thấp, khi nấu lên có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, đậm đà. Cây đẻ nhánh khỏe, bông lúa dài, hạt tròn. Đặc biệt, tiêu thụ nếp Bể rất thuận lợi. Vụ mùa năm trước, năng suất lúa đạt 1,7 tạ/sào, với giá bán từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tạ, cao hơn nhiều so với cấy lúa tẻ.

Nếp Bể hay còn gọi là nếp Keo là một trong những giống lúa đặc sản cổ truyền của Thái Bình với nhiều phẩm chất tốt, có ý nghĩa trong nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa. Vũ Thư là một trong những vùng của tỉnh Thái Bình có truyền thống sản xuất lúa nếp Bể, trong đó tập trung nhiều tại xã Duy Nhất. Những năm gần đây, diện tích, chất lượng sản phẩm nếp Bể có xu hướng giảm do quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn về sâu bệnh, dễ đổ ngã, tập tục canh tác chưa thực sự phù hợp dẫn đến giống bị thoái hóa... Năm 2021, gạo nếp Bể làng Keo của xã Duy Nhất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 3 sao. Do đó, việc bảo tồn nguồn gen quý bản địa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quý là một nhiệm vụ cần thiết hiện nay.

Nhằm góp phần thực hiện thành công việc bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của tỉnh, ThaiBinh Seed được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa nếp Bể Vũ Thư (nếp Keo) để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Bình” từ năm 2021 đến năm 2023. Ông Đặng Cao Cường, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu cây trồng, ThaiBinh Seed, chủ nhiệm đề tài cho biết: Để thực hiện đề tài, chúng tôi tiến hành thu thập 15 - 20 mẫu giống lúa nếp Bể tại 3 xã: Duy Nhất, Vũ Tiến, Vũ Đoài của huyện Vũ Thư có gieo cấy giống lúa này. Bằng các phương pháp chọn lọc, phục tráng giúp giống lúa nếp Bể có độ thuần cao thể hiện ở mức độ đồng đều của các chỉ tiêu hình thái, có tiềm năng năng suất cao hơn giống khi chưa phục tráng. Hạt giống có chất lượng cao, bảo đảm cho công tác nhân giống tiếp theo và có thể đáp ứng trực tiếp cho sản xuất. Chất lượng giống được phục tráng giữ nguyên được chất lượng quý hiếm vốn có của gen. Hạt giống được lưu giữ đạt chuẩn quốc gia về nguồn gen bản địa. Ngoài sản phẩm là giống lúa được phục tráng, đề tài còn xây dựng các mô hình canh tác trong sản xuất, từng bước góp phần mở rộng diện tích, giới thiệu sản phẩm nếp Bể đặc sản địa phương ra thị trường tiêu thụ. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho các tổ chức và bà con nông dân có nhu cầu thông qua các buổi tập huấn, trình diễn mô hình, hội thảo đầu bờ, cung cấp tài liệu... Ở vụ mùa năm 2023, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình trình diễn tại xã Duy Nhất với diện tích 50ha, giống đối chứng là giống nếp người dân tự để giống. Sản lượng dự kiến thu được 150 - 200 tấn thóc, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với đối chứng. Vừa qua, Công ty đã tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình tới các đại biểu là đại lý của ThaiBinh Seed, đại diện một số HTX, nông dân tích tụ ruộng đất trong tỉnh. Các đại biểu đánh giá cao hiệu quả của đề tài và mong muốn được sử dụng gạo nếp chất lượng cao từ giống được gieo trồng tại làng Keo.

Ông Hoàng Văn Giám, Giám đốc HTX NN xã Duy Nhất cho biết: Phục tráng thành công giống lúa nếp Bể có ý nghĩa lớn đối với người dân xã Duy Nhất. Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, diện tích gieo cấy giống lúa này sẽ được mở rộng.

Thông tin khoa học từ đề tài là cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ra quyết định công nhận giống lưu hành đặc cách. Việc cấp quyết định đặc cách cho giống lúa nếp Bể tạo cơ hội cho thương hiệu gạo nếp Bể làng Keo vươn xa hơn.

Nếp Bể đẻ nhánh khoẻ, bông lúa dài, hạt tròn.

Ngân Huyền