Thứ 2, 11/11/2024, 21:24[GMT+7]

Vũ Thư: Chủ động phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 07/11/2023 | 08:57:02
1,253 lượt xem
Thời điểm cuối năm, mật độ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Vũ Thư tăng cao. Trong khi đó, thời tiết giao mùa và bệnh dịch tả lợn châu phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp gây nguy cơ tái phát dịch bệnh. Để bảo vệ an toàn đàn lợn, huyện vận động, hướng dẫn người chăn nuôi khẩn trương thiết lập “hàng rào” phòng ngừa bệnh DTLCP tái phát, trong đó đẩy mạnh tiêm vắc-xin, góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Người chăn nuôi xã Vũ Tiến (Vũ Thư) lựa chọn tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là một trong những giải pháp hữu hiệu bảo vệ an toàn đàn lợn trước nguy cơ dịch bệnh hiện nay.

Nghe tình hình bệnh DTLCP đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Duy Nhất lo lắng, thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa”, có hộ đã bán chạy lợn vì sợ dịch đến. Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Văn Liết, thôn Hành Dũng Nghĩa hiện có đàn lợn thịt gần 100 con nhưng không quá lo lắng bởi đến nay 100% đàn lợn thịt của gia đình ông đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh DTLCP, thời gian tiêm vắc-xin được gần 70 ngày đối với lứa 1 và 18 ngày đối với lứa lợn thứ hai. Sau tiêm, cả 2 đàn lợn đều phát triển khỏe mạnh, an toàn. 

Ông Liết chia sẻ: Có vắc-xin phòng bệnh DTLCP, tôi rất phấn khởi, hưởng ứng ngay. Kinh phí đầu tư tiêm vắc-xin hiện khoảng 70.000 đồng/con lợn, tuy khá cao nhưng nếu không tiêm vắc-xin không may dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại khôn lường.

Xã Vũ Đoài hiện có đàn lợn hơn 6.000 con, trong đó 3 trang trại lớn tại địa bàn chiếm hơn 80% tổng đàn, khoảng 1.000 con lợn được chăn nuôi tại các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà Hồ Thị Hiền, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Các trang trại lớn thường thực hiện rất khắt khe quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh; ngược lại, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ thường chủ quan, nguy cơ tái phát dịch từ các hộ này rất cao. Do đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chú trọng công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Hướng dẫn bà con thực hiện đồng bộ các khâu: khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, cách ly đàn lợn, nâng cao sức khỏe, thể trạng của đàn lợn, đặc biệt tiêm vắc-xin phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn thuộc diện. Đến nay tôi đã trực tiếp tham gia tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gần 600 con lợn tại địa bàn trong và ngoài xã. Qua theo dõi, 100% số lợn được tiêm vắc-xin đều khỏe mạnh, an toàn. Tôi cho rằng khi bệnh DTLCP vẫn luôn âm thầm ủ bệnh và sẵn sàng bùng phát thì vắc-xin thực sự là cứu cánh cho người chăn nuôi, mở ra cơ hội chăn nuôi lợn an toàn, bền vững hiện nay.

Tháng trước, gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, thôn 2, xã Vũ Đoài có 2 đàn lợn, 1 đàn lợn nhỏ (trọng lượng khoảng 15kg/con), 1 đàn lợn to (trọng lượng hơn 80kg/con). Khi xã vận động, ông Khánh chỉ tiêm vắc-xin cho 21 con lợn thuộc đàn nhỏ; riêng đàn lợn to gần chục con ông không tiêm vắc-xin. Vừa qua, đàn lợn to mắc bệnh, đồng loạt bị sốt, khó thở, bỏ ăn và chết, phải tiêu hủy. Mặc dù ở cùng chuồng trại nhưng đàn lợn nhỏ vẫn an toàn, khỏe mạnh, lớn mau. Điều đó khiến ông thêm tin vào vắc-xin phòng bệnh DTLCP mới được đưa vào sử dụng.

Qua báo cáo giám sát cho thấy tỷ lệ vi rút bệnh DTLCP lưu hành trên địa bàn tỉnh hiện rất cao. Trong khi đó, tại một số địa phương của huyện Vũ Thư có tình trạng người dân bán “chạy” lợn ốm chưa rõ nguyên nhân hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường, gây nguy cơ cao làm lây lan nguồn bệnh. 

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện lập tức vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi, đặc biệt bệnh DTLCP. Tổ chức rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình đàn lợn; kịp thời phát hiện ổ dịch, sớm khoanh vùng, dập dịch. Chủ động giám sát, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy lợn, vận chuyển lợn chết, lợn ốm làm lây lan dịch bệnh... Huyện tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh; chủ động xuất bán đàn lợn khỏe mạnh đến kỳ. Đặc biệt, vận động nhân dân tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh DTLCP để bảo vệ đàn lợn thịt trước nguy cơ dịch tái bùng phát.

Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Bước đầu triển khai cho thấy 2 loại vắc-xin phòng bệnh DTLCP là NAVEST-ASFVAC và AVAC ASF LIVE cho hiệu quả tích cực trong phòng bệnh DTLCP. Toàn huyện đã triển khai tiêm hơn 1.000 liều vắc-xin phòng bệnh DTLCP, chiếm khoảng 5% số lợn thuộc diện. Nguyên nhân là do nhiều người chăn nuôi có tâm lý nghe ngóng hiệu quả của vắc-xin; nhiều hộ không muốn đầu tư chi phí vắc-xin để bảo vệ đàn lợn; chủ quan, trông chờ hộ khác tiêm vắc-xin trước... Tuy nhiên, nếu không chấp nhận đầu tư chi phí để tiêm vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt là bệnh DTLCP thì người chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại rất lớn, thậm chí mất trắng nếu không may phát sinh dịch bệnh trên đàn lợn của gia đình. Do đó, thời điểm này chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, tổ chức rà soát nhu cầu, cung ứng kịp thời đủ số lượng, bảo đảm chất lượng vắc-xin phòng bệnh DTLCP và các bệnh lở mồm long móng, tai xanh phục vụ công tác tiêm phòng, góp phần bảo vệ an toàn đàn lợn ở các địa phương.

Người chăn nuôi trên địa bàn huyện Vũ Thư chú trọng công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu phi để bảo vệ đàn lợn.

Quỳnh Lưu