Chủ nhật, 10/11/2024, 06:01[GMT+7]

Một số biện pháp tăng cường phòng, chống rét trong nuôi trồng thủy sản

Thứ 2, 15/01/2024 | 06:56:46
3,492 lượt xem
Theo Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 5 năm 2024 không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo vẫn cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh đặc biệt trong những tháng chính đông.

Ảnh minh họa.

Chính vì vậy, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản như sau:

1. Trước các đợt rét

Ao nuôi cá lưu đông cần chọn những ao ở khu vực khuất gió Đông Bắc, có nguồn nước bổ sung ổn định, chủ động, thuận lợi cho việc cấp và thoát nước. Duy trì mực nước ao nuôi từ 1,8 - 2,5m. Ao nuôi cá giống diện tích từ 300 - 500m2; ao nuôi cá thịt từ 1.000m2 trở lên.
Với những ao không sử dụng bạt để chống rét: Sử dụng bèo tây thả xuống ao che phủ 1/3 - 2/3 diện tích mặt ao về 1 góc để tránh gió lùa làm giảm nhiệt độ nước; đồng thời chuẩn bị rơm, rạ khô được khử trùng bằng nước vôi, bó thành từng bó hoặc cho vào sọt thả xuống góc ao làm nơi trú ẩn cho cá trước khi có đợt rét xảy ra.

Đối với những ao sử dụng bạt để chống rét: Cần chủ động kiểm tra lại bạt, dây căng bạt và máy sục khí...

Những ngày nắng ấm nhiệt độ trên 200C, tranh thủ cho cá ăn thức ăn tinh, giàu đạm kết hợp với vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.

Đối với cá đạt kích cỡ thương phẩm, cần tính toán thời gian thu hoạch để hạn chế rủi ro có thể xảy ra.

Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời; định kỳ 2 tuần/lần sử dụng vôi với lượng 10 - 15 kg/100m2 ao hoặc Iodine 1lít/4000 - 5000m3 nước để khử trùng, diệt tạp; đồng thời sử dụng các chế phẩm vi sinh để cải tạo đáy ao và phòng bệnh cho cá.

2. Trong các đợt rét đậm, rét hại

Hạn chế đánh bắt, tránh làm cho cá bị xây xát, tăng nguy cơ bị nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công làm giảm sức khoẻ của cá khiến cá bị bệnh và chết.

Bổ sung nước ấm từ nước giếng khoan sạch (nếu có) cho ao giữ cá giống qua đông trong những ngày có rét đậm, rét hại.

Những ao chống rét cho cá bằng biện pháp căng bạt cần bật sục khí đảm bảo hàm lượng oxy ở trong ao; Với ao không sử dụng bạt thả bèo hoặc các bó rơm, rạ đã chuẩn bị sẵn để dìm vào góc ao làm nơi trú ẩn cho cá. Khi các bó rơm, rạ có dấu hiệu phân hủy cần vớt lên và thay các bó rơm, rạ khác.

Trong thời gian chống rét cho cá cần định kỳ bón vôi hoặc các loại hóa chất trong danh mục cho phép để diệt khuẩn gây bệnh, ổn định môi trường, phòng các bệnh cho cá.

Tùy vào tình hình nhiệt độ nước, điều chỉnh khẩu phần ăn cho cá, cụ thể: Khi nhiệt độ nước từ 200C trở lên cho cá ăn khẩu phần 3% trọng lượng đàn cá; nhiệt độ từ 15 - 200C giảm xuống còn 2%; khi nhiệt độ dưới 150C dừng cho cá ăn.

Lưu ý: Trong trường hợp rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại lớn đề nghị các địa phương tổng hợp, thống kê tình hình thiệt hại báo cáo với Chi cục Thủy sản để có biện pháp khắc phục, xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời cho người nuôi.

Trung tâm khuyến nông thái Bình