Thứ 7, 23/11/2024, 14:40[GMT+7]

Rau muống làng Bái: Hướng tới sản phẩm OCOP

Chủ nhật, 15/09/2024 | 22:35:24
823 lượt xem
Nhắc đến các món ăn dân dã của Quỳnh Phụ, cùng với canh cá Quỳnh Côi, nem Bến Hiệp, nhiều người còn biết đến rau muống làng Bái của xã Quỳnh Hoa bởi vị thơm,độ giòn của rau mà không phải địa phương nào cũng có được. Nhờ hương vị đặc trưng mà rau muống làng Bái đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Mỗi sào rau muống mang lại cho người dân xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) nguồn thu khoảng 40 triệu đồng/năm.

Xã Quỳnh Hoa có 9 thôn, trong đó 2 thôn Bái Trang và Bồ Trang trồng rau muống nhiều nhất xã với trên 10ha. Theo chia sẻ của người dân, cách đây vài chục năm, rau muống làng Bái đã được nhiều người biết đến song cũng chỉ vài hộ trồng với diện tích khoảng 2ha, còn lại chủ yếu vẫn trồng lúa. Tuy nhiên, do canh tác lúa hiệu quả không cao, người dân dần chuyển sang trồng rau muống và đã mang lại thu nhập ổn định. 

Ông Vũ Tiến Chưởng, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Toàn xã hiện có 80 gia đình trồng rau muống với trên 10ha, trong đó thôn Bái Trang chiếm trên 1/2 diện tích. Rau muống là loại rau dễ trồng, thời gian cho thu hoạch nhanh. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ 15 - 20 ngày. Rau muống làng Bái cho thu hoạch quanh năm song năng suất và chất lượng ngon nhất thường tập trung từ tháng 4 - 9. Trung bình mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 6 tấn rau. Với giá bán trung bình 3.000 đồng/mớ, thời điểm cao lên đến 6.000 - 7.000 đồng/mớ, trừ chi phí, mỗi sào rau muống mang lại cho người trồng khoảng 40 triệu đồng/năm, cao gấp 5 - 6 lần so với cấy lúa. 

Rau muống là món ăn dân dã, dễ chế biến. Rau muống làng Bái trồng ở vùng đất nhiều dưỡng chất, vi lượng, hợp thổ nhưỡng, do vậy rau xanh tốt, sau khi chế biến rau xanh, có độ giòn, ngọt, thơm nên được các nhà hàng và người dân rất ưa chuộng. Trên cánh đồng làng Bái, sáng sớm hay chiều tối, tranh thủ thời tiết mát mẻ bà con xã viên tập trung ra đồng thu hoạch rau. Năm nay giá rau ổn định, sâu bệnh ít nên người dân rất phấn khởi. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hỡi, thôn Bái Trang trồng 2 sào, ngày nào gia đình bà cũng có rau bán. Rau thu hoạch đến đâu có người đến lấy với giá ổn định từ 2.000 - 3.000 đồng/mớ. 

Bà Hỡi chia sẻ: Trồng rau muống được thu hoạch quanh năm. Trung bình mỗi tháng một sào cho thu hoạch từ 2 - 3 lứa, mỗi lứa cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Sau mỗi đợt thu hoạch, chúng tôi cắt tận gốc chờ rau bật các mầm nhỏ. Quá trình chăm bón, chúng tôi tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng dẫn của HTX, từ việc bón phân đến phun trừ sâu bệnh bằng thuốc sinh học bảo đảm độ an toàn trước khi thu hoạch. Rau muống trồng thường cho năng suất cao trong khoảng một năm, do vậy sau thu hoạch một năm chúng tôi thay mới. Trước khi cấy ruộng phải được cày, bừa kỹ, rắc vôi bột để xử lý nấm và dọn dẹp tàn dư sâu bệnh, sau đó dùng phân hữu cơ để đất được hoai mục, tăng độ phì nhiêu. 

Diện tích trồng rau muống ở xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) trên 10ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Bái Trang và Bồ Trang.

Năm 2014, xã Quỳnh Hoa về đích nông thôn mới (NTM) và đang phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2025. Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP và xã Quỳnh Hoa đã lựa chọn rau muống làng Bái làm sản phẩm đặc thù của địa phương. 

Ông Vũ Tiến Chưởng, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết thêm: Đến nay, các thủ tục để công nhận rau muống làng Bái là sản phẩm OCOP 3 sao đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khi rau muống làng Bái được công nhận sản phẩm OCOP có mã tem, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho địa phương về giá trị kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày