Thứ 6, 20/09/2024, 12:50[GMT+7]

Khó khăn trong việc chăm sóc lúa mùa sau ngập lụt ở Kiến Xương

Thứ 6, 20/09/2024 | 09:36:59
294 lượt xem
Bão số 3 và mưa lụt những ngày qua khiến hầu hết diện tích lúa mùa ở Kiến Xương khôi phục trồng hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng. Do thời gian ngập lâu, nước rút chậm nên việc khôi phục, chăm sóc lúa gặp nhiều khó khăn.

Diện tích lúa của bà Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh (Kiến Xương) bị ngập sâu trong nước.

Tại cánh đồng thôn Cao Mại, xã Minh Quang, lúa mùa ngập trong nước gần 10 ngày nay nên một số diện tích đã bị thối. Bà Trần Thị Tân cho biết: Nhà tôi cấy 2,4 sào, mặc dù chân ruộng cao hơn các nhà khác nhưng vẫn bị ngập một nửa thân cây lúa trong nhiều ngày. Đến nay gốc lúa đã chuyển màu đen, lá lúa màu vàng nên tôi lo lắng. Cán bộ HTX đã tư vấn, tôi đợi sau khi nước rút hoàn toàn, lúa trỗ bông sẽ phun phòng, trừ các bệnh về nấm và thối thân cho lúa. 

Cũng tại cánh đồng thôn Cao Mại, nhiều nhà cũng trong tình trạng ngập trắng với diện tích lớn. Điển hình như hộ ông Trần Văn Bính cấy 23 mẫu nhưng đã bị hỏng hoàn toàn bởi những diện tích ông tích tụ đều ở vùng trũng nên nước lại càng ngập sâu và khó tiêu nước hơn. 

Bà Lê Thị Huệ, Giám đốc HTX SXKD DVNN Quang Hưng, xã Minh Quang cho biết: Đặc thù của vùng đất này là đồng ruộng không đồng đều, chỗ cao, chỗ trũng, hệ thống ruộng bao quanh làng nên rất khó trong việc tiêu thoát nước. Toàn xã có 224/260ha lúa mùa bị ngập sâu nhiều ngày, 16ha lúa bị ngập trắng. Hiện HTX đang tập trung tuyên truyền bà con tiếp tục theo dõi mực nước trong ruộng, khơi thông dòng chảy, khi lúa trỗ sẽ tiến hành phun thuốc phòng, trừ nấm và thối thân với phương châm phòng là chính. Ngoài ra cũng đã tuyên truyền bà con tranh thủ trồng lại cây màu để bù đắp thiệt hại do mưa, lũ gây ra. 

Cán bộ HTX SXKD DVNN Quang Hưng kiểm tra lúa sau ngập úng.

HTX SXKD DVNN Quang Hưng tập trung tuyên truyền bà con trồng cây rau màu để bù đắp những thiệt hại cho diện tích lúa mùa do mưa lũ gây ra. 

Một trong những “đại điền” của huyện Kiến Xương, bà Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh cho biết: Hàng năm tôi đều duy trì cấy với diện tích lớn nhưng chưa năm nào bị thiệt hại nặng nề như năm nay. Vụ mùa này tôi cấy 80ha các giống lúa BC15, đài thơm, nếp, bắc thơm ở 2 xã Bình Minh và Thanh Tân. Do ảnh hưởng của bão và mưa lũ, toàn bộ diện tích lúa đều bị ngập, trong đó khoảng trên 50% diện tích lúa đã bị thối, xóa sổ hoàn toàn, số còn lại bị ngập đòng nguy cơ lép cao. Mặc dù tôi đã dùng mọi cách để tháo nước sớm nhưng toàn bộ là cánh đồng trũng không bơm được do xung quanh nước đều lớn nên lúa bị đui, thối, gốc cũng không còn. Hiện tại chúng tôi đang theo dõi những diện tích trỗ muộn để phun phòng, trừ lem lép hạt và cháy lá nhằm hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Nếu không bị ngập chắc chắn vụ lúa mùa năm nay sẽ thắng lợi lớn do ít sâu bệnh; nhưng đến thời điểm này nguy cơ mất trắng rất cao, bình quân đầu tư khoảng 850.000 đồng/sào đến nay coi như đổ biển. 

Ông Nguyễn Thế An, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân cho hay: Toàn xã có khoảng 130/297ha lúa bị ngập hoàn toàn kéo dài nhiều ngày khó có thể phục hồi. Để khắc phục thiệt hại, xã đã sử dụng tất cả hệ thống tự chảy và bơm tiêu qua trạm bơm An Quốc, xã Quốc Tuấn nên đến nay hầu như đã tháo cạn nước mặt ruộng. Đối với diện tích lúa đã trỗ, xã tập trung tuyên truyền bà con phun phòng, trừ bệnh đạo ôn, sâu đục thân hai chấm và phun phòng, trừ bệnh bạc lá cho những diện tích lúa có thể phục hồi được theo phương châm phòng là chính. Do được tuyên truyền nên người dân đang tập trung theo sát diễn biến của sâu bệnh để phòng, trừ hiệu quả. 

Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Đến ngày 18/9, tổng hợp sơ bộ toàn huyện có hơn 9.400ha lúa mùa bị thiệt hại, ngập nước do bão số 3 và mưa, lũ. Việc chăm sóc lúa hiện tại gặp nhiều khó khăn bởi diện tích lúa trỗ trước khi bão đổ bộ đến nay đã lép hết hạt, diện tích bị ngập trắng lúa cũng đã chết và bị thối, số còn lại bị ngập đòng có thể vẫn trỗ bông nhưng tỷ lệ mẩy chưa khẳng định được. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tiêu thoát nước cho lúa đồng thời chú trọng việc chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh. Theo đó, tổ chức phun các chế phẩm phòng lem lép hạt lúa, phòng, trừ rầy và bệnh khô vằn nhất là trên những diện tích lúa bị đổ. Hỗ trợ cho lúa trỗ thoát nhanh, vào mẩy tốt, bổ sung dinh dưỡng cho cây hồi phục. Đối với những diện tích ngập lâu, thân lá úa vàng, đòng bị thối không thể phục hồi cần thu dọn và vệ sinh đồng ruộng, đồng thời tập trung tuyên truyền bà con nông dân trồng cây vụ đông để bù đắp lại thiệt hại cho diện tích lúa mùa thông qua việc hỗ trợ bằng các giống cây trồng chủ lực. 


Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày