Thứ 6, 20/09/2024, 12:39[GMT+7]

Hồng Việt: Khẩn trương tiêu úng, khôi phục trồng hoa cây cảnh

Thứ 6, 20/09/2024 | 09:51:35
253 lượt xem
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều diện tích hoa, cây cảnh, cây giống của xã Hồng Việt (Đông Hưng) bị thiệt hại. Bà con nông dân đang tập trung tiêu nước, chăm sóc cây, sớm phục hồi sản xuất nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường.

Vườn cây giống của gia đình ông Lê Văn Tăng, xã Hồng Việt vẫn còn bị úng.

Trước khi bão số 3 đổ bộ, vườn hoa, cây cảnh của anh Phạm Duy Khuynh, thôn Đông phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao. Thế nhưng bão đã làm toàn bộ diện tích hoa, cây cảnh bị gãy đổ, ngập úng. Dù anh Khuynh đã chủ động thực hiện các biện pháp chống bão song do mưa to, nước dâng nhanh khiến diện tích hoa, cây cảnh đến nay vẫn bị ngập úng nặng. Từ khi bão tan, ngày nào anh cũng phải bơm nước tiêu úng, chăm sóc những cây còn có khả năng cứu được. 

Anh Khuynh chia sẻ: Gia đình trồng hơn 1.300 cây hoa, cây cảnh các loại..., hầu hết đang đến kỳ thu để xuất bán. Gia đình đã nỗ lực bơm nước chống úng nhưng thời tiết mưa nắng thất thường, mực nước sông Sa Lung cao hơn mực nước trong đồng nên rất khó tiêu úng. Do vậy, khoảng 100 cây hoa, cây cảnh hỏng hoàn toàn, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Hiện tôi đang thu gom cây chết, chăm sóc những cây còn khả năng phát triển với hy vọng giảm bớt thiệt hại. 

Anh Phạm Duy Khuynh, xã Hồng Việt dựng lại những luống mẫu đơn bị đổ do bão. 

Do ảnh hưởng của bão số 3 nên hơn 1 mẫu đào, mộc hương của gia đình anh Nguyễn Văn Dự, thôn Quán Thôn vẫn chưa hết ngập úng. Máy bơm nước cỡ nhỏ của gia đình hàng ngày vẫn phải hoạt động hết công suất để bơm nước ra máng. 

Anh Dự cho biết: Gần 10 năm làm vườn đến giờ cây mới bị ngập úng lâu đến vậy. Trước cũng bão, mưa to nhưng chỉ 2 - 3 ngày là tiêu hết nước, giờ hơn 10 ngày rồi nước vẫn chưa rút hết. Ngập úng cộng thêm trời lúc nắng lúc mưa càng khiến cây bị héo, kém sức sống, khả năng hồi phục thấp. Mong nước tiêu nhanh để chúng tôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật giúp cây phục hồi, bởi càng được chăm sóc sớm tỷ lệ cây sống càng cao. 

Đã ở tuổi 70 nhưng vợ chồng ông Lê Văn Tăng, thôn Quán Thôn vẫn duy trì, phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, cây giống truyền thống của địa phương vì cho thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3, ông Tăng nhẩm tính thiệt hại đã lên tới hàng chục triệu đồng. 

Ông Tăng cho biết: Hai vợ chồng tôi trồng 5 vạn cây giống các loại, chủ yếu là cây con. Mưa bão ngập úng khiến khoảng 1 vạn cây chết. Xã đã khơi thông dòng chảy, vận hành trạm bơm tiêu úng trong đồng; gia đình dùng máy bơm nhỏ bơm nước từ vườn ra mương nhưng vẫn chưa hết úng, dự kiến số cây chết còn tăng. Chờ nước rút hết tôi mới vệ sinh từng luống, bỏ cây hỏng, phun thuốc kích rễ, bón các loại phân cho cây sớm phát triển trở lại. Bình thường vườn cây xuất bán quanh năm, còn giờ tập trung chăm sóc tốt thì cũng phải tận tháng 5/2025 cây mới bán được. 

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho các chủ vườn trồng hoa, cây cảnh ở Hồng Việt. Nhiều vườn cây của bà con vẫn đang bị úng. Nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả của bão đã được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể triển khai nhằm giảm thiệt hại, nhanh chóng ổn định sản xuất, đặc biệt là chăm sóc và trồng lại diện tích hoa, cây cảnh phục vụ thị trường tết. 

Các hộ chủ động bơm nước tiêu úng cho vườn cây của gia đình. 

Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Hồng Việt cho biết: Toàn xã có hơn 120ha trồng hoa, cây cảnh, cây giống các loại. Bão số 3 đã ảnh hưởng tới 70% diện tích cây trồng. Ngay sau bão, xã đã huy động nhân lực, phương tiện khơi thông dòng chảy, vận hành trạm bơm nội đồng tiêu úng cho cây; tuyên truyền các chủ vườn đào mương, đánh rãnh, dùng bơm nhỏ đẩy nước ra ngoài. Tuy nhiên, nước ở sông vẫn rút chậm, cây ngâm nước lâu ngày khiến khoảng 40% diện tích bị hỏng hoàn toàn. Hiện nay, với diện tích đã cạn nước, Hội hướng dẫn các chủ vườn nhổ bỏ cây đã chết; buộc dựng cây còn khả năng sống, cào nhẹ lớp đất bề mặt để rễ thoáng khí tốt hơn, phun thuốc kích rễ, bổ sung đất bột vào gốc, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Khi cây mọc rễ mới sẽ bón bổ sung phân hữu cơ kết hợp với chế phẩm sinh học đúng định lượng để vườn cây nhanh phục hồi. Hội cũng đang rà soát các hộ thiệt hại nhiều để hỗ trợ phân bón, đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho các chủ vườn bị ảnh hưởng do bão để có cơ hội tái đầu tư sản xuất, khắc phục thiệt hại.


Thu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày