Thứ 5, 14/11/2024, 10:57[GMT+7]

Làm giàu từ nuôi cá lồng trên sông

Thứ 6, 25/10/2024 | 09:34:44
2,525 lượt xem
Nhận thấy nuôi cá lồng trên sông có nhiều ưu điểm so với hình thức nuôi cá trong ao, vừa tận dụng lợi thế mặt nước, cá ít dịch bệnh lại cho năng suất cao, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, xã Mê Linh (Đông Hưng) đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Tiên Hưng cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của chị Nguyễn Thị Thơm (người ngoài cùng bên trái), xã Mê Linh (Đông Hưng) cho hiệu quả kinh tế cao.

Chị Thơm chia sẻ: Trước cửa nhà tôi có sông Tiên Hưng chảy qua, môi trường nước rất thuận lợi cho nuôi cá lồng, do vậy từ năm 2019 gia đình tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng làm các ngăn lồng nuôi các giống cá có giá trị kinh tế cao, sớm được xuất bán như cá rô phi, cá diêu hồng. Trước khi triển khai mô hình, gia đình cũng đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi của một số hộ đã thành công. Để bảo đảm lồng cá không bị trôi khi bão gió, toàn bộ khung lồng được làm bằng ống tuýp sắt chống rỉ chắc chắn; khung lồng được nâng bằng thùng nhựa; lưới quây được trang bị 3 lớp bảo đảm thông thoáng cho nước chảy, tạo oxy cho cá, vệ sinh lưới 2 - 3 lần/năm. Nuôi cá lồng chất lượng nước không thể kiểm soát được như nuôi trong ao mà tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế tôi chọn neo lồng ở chỗ nước thoáng, nước ra vào thoải mái. Thời gian đầu do ít kinh nghiệm nên gia đình chưa dám nuôi nhiều, sau vài vụ mới tăng số lồng và số cá lên để nâng thu nhập. 

Theo chị Thơm, nuôi cá lồng lo nhất là mưa bão, lũ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt ốc bươu vàng trên đồng ruộng chảy xuống sông sẽ gây chết cá. Gia đình chị đã từng thiệt hại hàng chục triệu đồng vì nguyên nhân này. Vì thế, chị Thơm đã mua máy sục hơi tạo oxy cho cá; có bão, lũ thì bán vợi cá to đi, đồng thời buộc thật chặt lồng bè lại. Vừa qua, trước khi bão số 3 đổ bộ và lũ trên sông, gia đình chị dùng dây neo lồng cá vào những nơi an toàn, thu hoạch bớt cá to để giảm trọng lượng trong lồng và giảm thiệt hại. 

Hiện gia đình chị Thơm có 6 lồng cá với diện tích mặt nước gần 70m2, nuôi hơn 2.000 con cá trắm, chép, diêu hồng, rô phi. Cá giống chị chọn mua ở cơ sở cung cấp uy tín. Hàng ngày, vợ chồng chị đặt rọ ở sông để bắt cua, ốc đem về nghiền ra trộn với cám gạo làm thức ăn cho cá. Cách làm này giúp giảm tới 50% cám công nghiệp, giảm chi phí nuôi, quan trọng là thịt cá thơm ngon hơn. Nhằm hạn chế dịch bệnh trên đàn cá, chị Thơm bố trí khẩu phần ăn phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của cá, cho ăn vừa đủ, không thừa hoặc thiếu nhằm tiết kiệm chi phí thức ăn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nuôi cá lồng từ lúc thả con giống tới lúc thu hoạch kéo dài khoảng 2 năm, do vậy gia đình chị thường nuôi gối vụ để có cá xuất bán thường xuyên. Khi xuất bán cá có trọng lượng từ 3 - 4kg, mỗi đợt xuất bán chị thu hàng chục triệu đồng, chủ yếu thương lái tới tận nhà mua. Ngoài ra, gia đình chị còn nuôi 70 con gà, ngan, vịt thịt, làm dịch vụ xay xát gạo cho bà con. Hướng làm kinh tế mới và phương châm “năng nhặt chặt bị” đã mang đến cho vợ chồng chị khoản thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Từ hộ khó khăn, gia đình chị Thơm đã vươn lên thành hộ giàu, điển hình làm kinh tế giỏi. 

Chị Bùi Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mê Linh cho biết: Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm là 1 trong 4 hộ của xã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên sông Tiên Hưng. Khi chị Thơm mới triển khai mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tín chấp với ngân hàng cho chị vay vốn, đến nay chị đã trả hết nợ. Đây là mô hình Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang tuyên truyền, khuyến khích các hộ khác học tập, nhân rộng để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm.

Chị Nguyễn Thị Thơm, xã Mê Linh thu từ nuôi cá lồng khoảng 300 triệu đồng/năm.

Hiếu Nghĩa