Thứ 7, 22/02/2025, 14:31[GMT+7]

Vươn lên làm giàu từ mô hình sản xuất nông nghiệp

Thứ 6, 21/02/2025 | 20:42:10
561 lượt xem
Từ nông dân “chân lấm, tay bùn”, chị Vũ Thị Phượng, thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân (Kiến Xương) đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó chị Phượng không chỉ vươn lên trở thành gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mô hình nuôi dê của chị Vũ Thị Phượng, xã Minh Tân (Kiến Xương) cho hiệu quả kinh tế cao.

Hòa chung với không khí nhộn nhịp trên cánh đồng cùng bà con nông dân, gia đình chị Phượng cũng tích cực gieo cấy để bảo đảm theo đúng lịch thời vụ của địa phương. Theo chị Phượng, năm nay gia đình vẫn duy trì cấy giống lúa BC15 và TBR225 trên 10 mẫu ruộng. 

Chị chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ có vài mẫu ruộng để cấy lúa. Năm 2020, người dân không còn mặn mà với nông nghiệp khiến tình trạng hoang hóa ruộng đồng ngày càng nhiều. Tôi quyết định thuê, mượn lại đất của bà con để mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài ra, tôi cũng vay mượn để đầu tư mua máy cày, máy gặt với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Máy móc không chỉ giúp giảm công lao động mà gia đình tôi còn có thể cày, gặt thuê, phục vụ nhu cầu cho nhiều hộ dân trong xã. Với diện tích lớn và sự hỗ trợ của máy móc, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được khoảng 30 tấn thóc. 

Bà Vũ Thị Liễu, 60 tuổi, thôn Nguyệt Giám cho biết: Vào những ngày mùa, tôi cùng một số chị em tranh thủ đi cấy thuê cho chị Phượng với tiền công khoảng 300.000 đồng/ngày. Nhờ đó, tôi có thêm kinh phí để trang trải cho cuộc sống gia đình.

Không chỉ gắn bó với ruộng đồng, chị Phượng còn tích cực chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình. Năm 2021, nhận thấy mô hình nuôi bò sữa và dê cho hiệu quả kinh tế cao, chị quyết định nuôi thử nghiệm. Với kinh phí đầu tư 200 triệu đồng, chị Phượng tiến hành xây dựng chuồng trại và mua con giống về nuôi. Nhờ lựa chọn nuôi giống bò sữa Mộc Châu, sức đề kháng tốt, ăn khỏe nên đàn bò của chị có trọng lượng đạt từ 5 - 6 tạ/con và cho lượng thịt nhiều. Cùng với đó, chị Phượng chủ yếu sử dụng cỏ tươi và thân cây ngô ủ lên men làm thức ăn cho bò nên rất dễ nuôi. 

“Sau 3 năm, mô hình của tôi có 27 con dê sinh sản, 21 con bò thương phẩm và đã xuất bán vào cuối năm 2024. Từ việc nuôi bò, dê và cấy lúa, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tích tụ thêm ruộng đất và đầu tư mua thêm máy cấy phục vụ sản xuất. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, chính quyền, Hội Nông dân xã sẽ đồng hành, hỗ trợ trong quá trình triển khai các mô hình” - chị Phượng cho biết thêm.

Bà Hoàng Thị Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tân đánh giá: Chị Vũ Thị Phượng là 1 trong 4 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương. Mô hình của chị cũng được Hội Nông dân huyện lựa chọn làm điểm để tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Phượng còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên khác cùng phát triển sản xuất. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của xã Minh Tân ngày càng phát triển sâu rộng. Bên cạnh đó, chị cũng tích cực tham gia cùng tổ chức hội và địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do cấp trên phát động. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để chị Phượng và hội viên nông dân trong xã an tâm phát triển sản xuất.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày