Thứ 4, 16/04/2025, 14:41[GMT+7]

Làm giàu từ nuôi thỏ

Thứ 4, 16/04/2025 | 08:44:23
293 lượt xem
Trong những năm qua, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phát động rộng rãi tại các địa phương. Phong trào nhận được sự hưởng ứng tham gia và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải nhắc đến mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Phạm Văn Hóa, thôn Hoành Từ, xã Đông Cường (Đông Hưng).

Gia đình anh Phạm Văn Hóa, thôn Hoành Từ, xã Đông Cường (Đông Hưng) đang nuôi 200 con thỏ giống, 1.500 con thỏ thịt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh Hóa khi ấy mới bước sang tuổi 22. Anh tâm sự: Trước đây, vùng này là ruộng lúa kém hiệu quả của xã Đông Cường. Trong phong trào chuyển đổi chung của xã, năm 2001, gia đình tôi mạnh dạn nhận 800m2 để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô hàng nghìn con; trong đó 250m2 xây chuồng nuôi, phần còn lại làm kho, khu xử lý nước thải, vườn... Chăn nuôi gà gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao nên năm 2014, anh Hóa chuyển sang nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cuối năm 2019 đã khiến đàn lợn 30 con nái, 100 con thịt của gia đình gần như bị “xóa sổ” hoàn toàn. “Toàn bộ tài sản của gia đình cũng mất hết, đau xót lắm mà không làm sao được” - anh Hóa chia sẻ. 

Vượt qua khó khăn, sau thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu qua sách báo và tham quan một số hộ nuôi ở các tỉnh như Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Vĩnh Phúc..., anh Hóa nhận thấy mô hình nuôi thỏ lai New Zealand cần ít vốn, dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các vật nuôi khác. Thỏ có ưu điểm về sinh trưởng, thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường ổn định. Tháng 5/2019, anh quyết định chuyển sang nuôi thỏ. Ban đầu, anh nuôi thử 100 con giống. Tận dụng dãy chuồng lợn cũ, anh ngăn thành từng lồng, chia ô nuôi thỏ, đánh dấu theo dõi thời gian phối giống, sinh trưởng. Lồng được đặt cách mặt đất 80cm, có máng ăn, dụng cụ uống nước. Hàng ngày anh vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tạo độ thông thoáng giúp thỏ phát triển tốt. Chăn nuôi hiệu quả, anh mở rộng chuồng trại, hiện có 200 thỏ giống, 1.500 thỏ thịt, diện tích chuồng hơn 200m2.

Cẩn thận bế một con thỏ giống, anh Hóa cho biết: Thỏ rất mẫn cảm với môi trường, thức ăn (chủ yếu cám viên), nước uống phải sạch sẽ. Để hạn chế bệnh, ngoài vệ sinh, anh phun khử trùng định kỳ, tiêm phòng vaccine, cho thỏ ăn đủ chất, xen kẽ rau xanh giúp thỏ lớn nhanh, thịt chắc, giống khỏe. Thỏ giống sau 5 - 6 tháng nuôi bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm đẻ 5 - 6 lứa, nếu chăm tốt có thể đạt 7 lứa, mỗi lứa từ 5 - 8 con. Sau 3 tháng, thỏ đạt trọng lượng 2,3 - 2,5kg có thể xuất bán. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán 1 - 1,5 tấn thỏ thịt với giá gần 90.000 đồng/kg. Trừ chi phí, lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm. 

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hóa còn chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật chăm sóc thỏ cho một số hộ dân quanh vùng. Ông Đỗ Quý Duẩn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Cường cho biết: Toàn xã có hàng chục hộ nuôi thỏ quy mô từ 100 con trở lên. Mô hình của anh Hóa và các hộ dân khác đã mở ra hướng phát triển mới trong chăn nuôi, giúp người dân tăng thu nhập, làm giàu trên quê hương. 

 Để hạn chế thỏ mắc bệnh, anh Phạm Văn Hóa, thôn Hoành Từ, xã Đông Cường (Đông Hưng) thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ. 

Minh Hương 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày