Thứ 2, 18/11/2024, 21:49[GMT+7]

Công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm ở Tiền Hải

Thứ 5, 23/09/2010 | 16:07:44
3,305 lượt xem
Với 388 trang trại và trên 1.600 gia trại cùng số gia súc, gia cầm nuôi rải rác trong dân, đến nay huyện Tiền Hải có trên 130 nghìn con lợn, 7.900 con trâu bò và trên 910 nghìn con gia cầm.

Công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh tại các cơ sở.

Những năm qua, chăn nuôi ở Tiền Hải đã thực sự mạng lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Không chỉ tạo việc làm, chăn nuôi còn đem lại hiệu qủa kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Xác định để có được lợi ích từ chăn nuôi và trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm, huyện Tiền Hải luôn chú trọng  chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn cùng với ngành thú y triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương chăn nuôi tập trung đã phát triển song thực tế vẫn còn một số gia trại phát triển tự phát chưa theo quy hoạch quản lý của địa phương và ngành chức năng. Bên cạnh đó, lực lượng thú y cơ sở chưa thực sự quản lý giám sát, hỗ trợ kỹ thuật được nhiều cho các cơ sở chăn nuôi tập trung, công tác tiêm phòng do chủ cơ sở tự đảm nhiệm nên khó khăn trong việc giám sát dịch bệnh tại các cơ sở.

Mặt khác, đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh chóng về số lượng và chủng loại nhưng chủ yếu là chăn nuôi phân tán, chưa tạo thành vùng chuyên canh. Việc chấp hành Pháp lệnh Thú y của người chăn nuôi còn hạn chế nên việc áp dụng các biện pháp phòng chống, khống chế, kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn. Kinh phí tiêm vắc xin định kỳ chưa được hỗ trợ, đa số là do chủ chăn nuôi chi trả. Việc quản lý, điều hành sử dụng lực lượng thú y viên cơ sở gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm...

Trước hàng loạt những hạn chế đó, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, thời gian qua Phòng NN & PTNT, Trạm thú y huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, ban chăn nuôi các xã, thị trấn trong huyện tích cực khắc phục khó khăn thực hiện công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm. Công tác triển khai tiêm phòng định kỳ được tiến hành khẩn trương, nhanh gọn, bảo đảm đúng tiến độ.

Công tác kiểm tra được quan tâm thường xuyên nên đã kịp thời tìm ra nguyên nhân tồn tại và đưa ra giải pháp khắc phục để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao. Trong năm 2009, huyện đã chỉ đạo tổ chức 2 đợt tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm gia cầm. Đợt 1 có 19 xã đã tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm gia cầm cho đàn vịt có nguy cơ phát dịch với tổng số vịt được tiêm là trên 43.800 con. Đợt hai có 15 xã tổ chức tiêm phòng, kết quả 52.000 con vịt được tiêm phòng bổ sung vắc xin.

Để việc kinh doanh chăn nuôi đạt hiệu quả cao, các chủ trang trại, gia trại trên địa bàn huyện rất quan tâm đến việc tiêm phòng dịch định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Thời gian qua, các chủ trang trại, gia trại đã chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của mình với tổng số vắc xin đã sử dụng tiêm phòng là trên 14.300 liều vắc xin dịch tả lợn, vắc xin tụ dấu lợn 14.340 liều, vắc xin phó thương hàn lợn là trên 14 nghìn liều.

Cùng  với đó, công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc qua thú y các xã cũng đạt kết quả khá với 36.950 liều vắc xin dịch tả lợn,  trên 2.500 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, trên 12 liều vắc xin dại và 28.400 liều vắc xin tụ dấu lợn. So với năm trước, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc đều tăng từ 30 - 40%. Một số xã đạt kết quả tiêm phòng vắc xin cao như xã Tây Lương 1.895 liều vắc xin dịch tả lợn; Nam Trung 1.800 liều và Nam Phú 1.550 liều.  Xã Vũ Lăng đạt cao nhất về số lượng trâu bò được tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng với 220 liều; Nam Thịnh 170 liều; Đông Lâm 140 liều...

Kết quả tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong thời gian qua trên địa bàn huyện Tiền Hải là đáng ghi nhận. Song, bên cạnh những xã đạt kết quả cao thì còn một số địa phương chỉ tổ chức  tiêm  chiếu lệ với số vắc xin sử dụng từ 20 - 50 liều/vụ. Đó phải chăng là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở một số xã chưa cao, chưa thực sự quan tâm sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác tiêm phòng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền còn có nhiều hạn chế nên nhiều hộ chăn nuôi ở các vùng chuyển đổi xa trung tâm chưa nắm được kế hoạch và chủ trương về công tác tiêm phòng.

Để công tác tiêm phòng trong thời gian tới đạt được kết quả cao hơn, thiết nghĩ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc thực sự của chính quyền các xã đối với công tác này là hết sức quan trọng.  Các xã cũng cần xây dựng cụ thể kế hoạch và triển khai kế hoạch tới trưởng, phó thôn, các đầu ngành của xã, giao nhiệm vụ cho từng đầu ngành, thôn, thường xuyên kiểm tra, giám sát theo dõi tiến độ tiêm phòng. 

Làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, góp phần để người chăn nuôi yên tâm phát triển kinh tế với đàn gia súc, gia cầm của mình.

Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày