Thứ 7, 16/11/2024, 21:41[GMT+7]

Nỗ lực để vụ tôm xuân, hè giành thắng lợi

Thứ 5, 21/05/2015 | 08:10:54
873 lượt xem
Trước khi bước vào vụ nuôi thả tôm vụ xuân, hè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, chuẩn bị thả giống năm 2015. Đến nay, các hộ nuôi tôm trong toàn tỉnh đã cơ bản thả xong tôm giống với số lượng 249,65 triệu con trên diện tích 2.839,77ha, bằng 81,93% tổng diện tích thủy sản nước lợ. Trong đó tôm sú thả được 199,65 triệu con/2.782,5ha; tôm thẻ 50 triệu con/57,27ha, tăng 35,27% diện tích so với năm

Cán bộ Trạm Thú y Tiền Hải tiếp nhận tin báo tôm chết tại xã Đông Minh.

 

Sau thả giống, các hộ dân tập trung chăm sóc, quản lý đối tượng nuôi đầu vụ. Tuy nhiên, do thời tiết chuyển mùa, hiện tượng nắng nóng hoặc nắng nóng kết hợp với mưa lớn là nguyên nhân chính dẫn đến các yếu tố môi trường nuôi biến động vượt ngưỡng cho phép, nhất là đối với các ao nuôi có diện tích nhỏ, mực nước nông, mật độ nuôi cao, tôm nuôi thường xuyên bị sốc do môi trường bất lợi. Cá biệt, một số hộ nuôi không chấp hành lịch thời vụ dẫn đến tình trạng tôm đang trong giai đoạn dễ nhiễm bệnh, gặp môi trường biến động đã tạo cơ hội cho bệnh đốm trắng bùng phát. Đến ngày 14/5,  tổng diện tích có tôm bị chết tại xã Đông Minh (Tiền Hải) là 12,4786ha/6,809 triệu con, trong đó tôm thẻ 7,1750ha/4,974 triệu con, tôm sú 5,3036ha/1,835 triệu con. Ngoài ra, tôm chết còn xuất hiện tại 3 ao ở 2 hộ của xã Nam Cường (Tiền Hải) và 3 ao ở 2 hộ nuôi của xã Thái Đô (Thái Thụy). Đáng chú ý, tôm chết tập trung chủ yếu tại xã Đông Minh, tốc độ gia tăng nhanh trên cả hai đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ. Chỉ trong hơn 1 tuần (từ 7/5 - 15/5), số lượng ao nuôi tôm nhiễm bệnh của Đông Minh đã tăng hơn 4,5 lần, diện tích tăng gần 4 lần, số tôm thả nuôi tăng hơn 3 lần. Đến ngày 18/5, Đông Minh có 183 hộ với 294 ao trên diện tích 190.594m2, nuôi thả 927,2 vạn con tôm bị bệnh chết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các huyện có diện tích nuôi tôm chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Sở và các hộ nuôi tăng cường biện pháp quản lý đối tượng nuôi. Đối với Đông Minh, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã cử kỹ sư thường trực tại xã để phối hợp với Trạm Thú y Tiền Hải, UBND xã Đông Minh xử lý hiện tượng tôm chết. Chi cục Thú y đã cử cán bộ kiểm tra và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở tôm nuôi; tiến hành cấp phát 1.736kg hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh (số liệu đến ngày 14/5), yêu cầu các chủ ao nuôi tôm bị bệnh giữ nước từ 7 - 10 ngày; đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu xác định nguyên nhân tôm chết để có giải pháp thích hợp. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người nuôi tôm phải kiểm tra các yếu tố pH, ôxy, nhiệt độ 2 lần/ngày (vào 7 giờ và 14 giờ); độ kiềm, NH3, H2S khoảng 3 - 5 ngày kiểm tra một lần. Thường xuyên duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi ổn định trong khoảng thích hợp về mực nước, màu nước, độ mặn... Trước hoặc sau mưa lớn nên sử dụng vôi nông nghiệp rải đều trên bờ và mặt ao để ổn định độ pH, khi nhiệt độ không trong ngưỡng 24 - 34oC cần giảm lượng thức ăn, bổ sung Vitamin C (trộn vào thức ăn) và tăng thời gian sục khí. Cho tôm ăn thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 32 - 45%, lượng thức ăn và thời gian cho ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sàng đựng thức ăn đặt cách bờ 1,5 - 2m, sau cánh quạt nước từ 12 - 15m.

 

Để hạn chế tối đa những tác động bất lợi của thời tiết làm phát sinh bệnh dịch, phấn đấu vụ tôm xuân, hè  giành thắng lợi, tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Tiền Hải, Thái Thụy tập trung chỉ đạo các xã có ao nuôi, nhất là đối với 3 xã: Đông Minh, Nam Cường, Thái Đô tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để dịch bệnh lây lan; tập trung chỉ đạo đồng bộ các biện pháp khoanh vùng và nhanh chóng khống chế dịch bệnh; thực hiện chế độ báo cáo trước 16 giờ hàng ngày về trạm thú y và phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện. Khi phát hiện tôm chết bất thường, các hộ nuôi cần báo ngay cho UBND xã, trưởng ban chăn nuôi thú y xã để báo cáo cơ quan chuyên môn kịp thời hỗ trợ, chẩn đoán bệnh và hướng dẫn biện pháp chuyên môn phù hợp, kịp thời.

 

Phan Lợi

 

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản

Những ao nuôi tôm có hiện tượng chết, sau khi xác định bệnh do vi rút gây ra, nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch ngay để hạn chế thiệt hại. Khi vận chuyển tôm phải thực hiện bằng phương tiện kín, không để rò rỉ hay rơi vãi tôm bệnh ra ngoài môi trường, sau đó tiến hành xử lý ao nuôi theo quy định. Nếu tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch phải thực hiện nghiêm quy trình dập dịch của cơ quan chuyên môn. Sau khi dập dịch cần tiến hành cải tạo ao nuôi như quy trình cải tạo ban đầu; thời gian xử lý và cải tạo tốt nhất là 1 tháng. Đối với diện tích có tôm bị bệnh đã được xử lý tiến hành thả tôm giống cỡ lớn (2 - 3cm/con), có thể nuôi ghép với cá rô phi, bống bớp...

Ông Trần Văn Lựa, thôn Minh Châu, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải

Ngay sau khi phát hiện tôm tại các ao nuôi bị chết, chúng tôi đã báo với HTX, UBND xã Đông Minh. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã kịp thời có mặt để xem xét, hướng dẫn cách xử lý cho các hộ nuôi. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị thủ tục cấp phát hóa chất cần đơn giản hơn nữa; các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất đối với hộ vay vốn ngân hàng, bố trí cho vay đối với hộ cần nguồn vốn tái sản xuất nuôi tôm.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày