Thứ 3, 19/11/2024, 15:49[GMT+7]

Giữ màu xanh cho vùng đất lúa

Thứ 6, 31/12/2010 | 17:07:51
2,215 lượt xem
Quỳnh Phụ không phải là huyện có diện tích cây vụ đông lớn nhất ở tỉnh ta nhưng nếu xét về cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao thì không nơi nào sánh kịp. Năm nay là năm thứ hai huyện Quỳnh Phụ gieo trồng vượt mục tiêu 6.000ha cây rau màu các loại, chiếm 50% tổng quỹ đất canh tác.

Những cây ớt trĩu quả của nông dân Quỳnh Phụ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Nhiễm- Trưởng phòng NN& PTNT Quỳnh Phụ cho biết, kết thúc lịch thời vụ toàn huyện đã gieo trồng được 6.103ha cây rau màu các loại. Trong đó chủ lực là ngô (1.800ha), đậu tương (800ha), ớt (1.250ha), khoai tây (400ha), bí xanh (500ha) và rau các loại (1.353ha).

Đặc điểm vụ đông ở Quỳnh Phụ là nhóm cây ưa ấm thường xuyên chiếm phần lớn về diện tích, mà những loại cây này lại đòi hỏi rất khắt khe về thời vụ. Nếu không giải quyết được vấn đề thời vụ thì coi như việc mở rộng về diện tích sẽ phải dậm chân tại chỗ. "Cái khó ló cái khôn", chính người nông dân ngày ngày gắn bó với ruộng đồng, có nhiều kinh nghiệm thâm canh đã nghĩ ra nhiều sáng kiến hay và độc đáo để giải bài toán khó về thời vụ.

Đó là sáng kiến gieo mạ mùa từ trước khi thu hoạch lúa xuân; đặt bầu cây non trước khi thu hoạch lúa mùa; gieo trồng các cây ưa ấm bằng phương pháp đặt bầu thay cho gieo trực tiếp bằng hạt; thu hoạch lúa mùa đến đâu, đặt bầu cây vụ đông thay thế ngay tới đó theo phương châm "đầu ruộng gặt lúa, cuối ruộng trồng màu"…

Cùng đó, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân mở rộng về diện tích như chỉ đạo làm tốt công tác quy vùng sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống lúa và xây dựng lịch thời vụ gieo cấy cụ thể cho từng vùng; hỗ trợ nông dân mua máy gieo hạt cây vụ đông; chỉ đạo các HTX tổ chức đăng ký và cung ứng giống, phân bón ngay tại địa phương; khen thưởng kịp thời những xã, thị trấn đạt và vượt kế hoạch trồng cây vụ đông huyện giao…

Nhờ sự sáng tạo của người dân và sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời của cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng nên diện tích cây vụ đông ở Quỳnh Phụ những năm qua có bước phát triển khá nhanh, từ 3.350ha năm 2001 tăng lên 5.018 ha vào năm 2003 và đạt 6.103 ha vào năm 2010. Hiện nay trồng cây màu không còn là việc làm xen canh, kết hợp “được sao hay vậy”, mà đã vươn lên trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 và là vụ tạo khối lượng hàng hoá lớn nhất năm.

Nếu chỉ thuần tuý nhìn vào diện tích, chúng ta đã thấy sự cố gắng rất lớn của Quỳnh Phụ trong phong trào phát triển cây vụ đông. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào cơ cấu cây trồng mới thấy hết sự năng động, sáng tạo của người dân nơi đây và những giá trị to lớn mà vụ đông mang lại.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ cấu cây màu đông của Quỳnh Phụ đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng mở rộng nhóm cây có thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Minh chứng rõ nét cho xu hướng này là sự phát triển nhanh chóng của cây ớt và một số cây rau màu khác như bí xanh, salát, hành tỏi…

Ngay đối với từng loại cây cũng có sự thay đổi theo hướng loại bỏ dần các giống cũ cho năng suất thấp, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, thay vào đó là các giống cây mới cho năng suất cao, ổn định, mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Điển hình như cây ớt, từ duy nhất một giống ớt kim sừng bò của địa phương trước đây nay được thay thế dần bằng các giống ớt ngoại của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với cây khoai tây là các giống mới của Trung Quốc, Hà Lan, Đức cho năng suất vượt trội và chất lượng cao đủ tiêu chuẩn làm hàng hoá…

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất vụ đông ở Quỳnh Phụ đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần cải thiện thu nhập đáng kể cho người nông dân. Đó là mô hình trồng ớt tại các xã Quỳnh Hải, Quỳnh Minh, An ấp, An Ninh…

Ông Chu Công Phượng- Chủ nhiệm HTX An Ninh cho biết, cây ớt đã có mặt tại đây từ gần bốn chục năm nay, năm 2010, toàn xã gieo trồng được 190ha cây vụ đông thì riêng cây ớt đã chiếm 131ha. Người dân nơi đây lựa chọn gieo trồng cả 2 loại ớt là ớt quả nhỏ truyền thống và ớt ngoại quả to; trung bình năng suất ớt kim đạt khoảng 3- 4 tạ/ sào, ớt ngoại đạt 7- 8 tạ/ sào.

Với giá bán như hiện nay thì mỗi vụ người trồng ớt thu được từ 3- 5 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn thực lãi từ 2- 4 triệu đồng/ sào. Với một số hộ dân ở An Ninh, ớt đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Điển hình như hộ anh Lương Xuân Trà (thôn Kiến Quan) thường xuyên trồng 1,5 sào ớt xuân- hè và khoảng 3 sào ớt đông gồm cả ớt kim và ớt ngoại, tính ra mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng chục triệu đồng từ bán ớt…

Đó còn là mô hình trồng cây xuất khẩu ở xã Quỳnh Nguyên với các cây ngô ngọt (đưa vào từ năm 2009), dưa bao tử (đưa vào từ năm 2008) và năm nay tiếp thu thêm cây bắp cải cuộn. Diện tích vùng cây xuất khẩu của xã đã mở rộng được 40ha. Không chỉ được hỗ trợ một phần về giống, kỹ thuật và phân bón mà các hộ dân trồng cây xuất khẩu ở Quỳnh Nguyên còn được HTX ký hợp đồng nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến cho Công ty XNK Hải Dương. Hiệu quả kinh tế mà mô hình trồng cây xuất khẩu ở Quỳnh Nguyên mang lại cao gấp từ 2,5- 3 lần so với cấy lúa.

Đặc biệt là xã Quỳnh Hải không chỉ phát triển mạnh cây vụ đông, mà còn hình thành được diện tích đất chuyên màu rộng 90ha gieo trồng 3- 5 vụ khép kín trong năm. Tại đây người dân đã lựa chọn gieo trồng những cây mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn như hành tỏi, rau thơm, su hào, bắp cải… đồng thời thực hiện trồng trái vụ, lệch vụ để vừa dễ tiêu thụ, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trung bình khoảng 200 triệu đồng/ ha/ năm. Tại Quỳnh Hải việc một gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng từ vụ đông không phải là chuyện hiếm…

Vũ Mạnh
 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày