Chủ nhật, 17/11/2024, 11:39[GMT+7]

Nam Cường: Sẵn sàng cho vụ thả nuôi thủy sản mới

Thứ 6, 08/04/2016 | 09:09:45
642 lượt xem
  Năm 2015, ở Nam Cường (Tiền Hải) đã xảy ra hiện tượng tôm sú bị chết nên kết quả nuôi trồng thủy sản giảm sút rõ rệt. Với gần 90ha nuôi trồng nước lợ, nước ngọt, Nam Cường đạt giá trị gần 30 tỷ đồng. Bài học kinh nghiệm được xã rút ra qua vụ nuôi năm 2015 là phải làm tốt công tác cải tạo ao đầm, nạo vét mương máng, xử lý môi trường và chỉ thả vật nuôi khi thời tiết ấm hẳn. Vì vậy, UBND xã khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản tiến hành thả tôm vụ xuân hè năm 2016 sau tiết Thanh minh từ 1

Kiểm tra nguồn nước đầm nuôi thủy sản.

 

Cùng với đó, UBND và HTX DVNN xã cũng đề ra những biện pháp thủy lợi và cải tạo ao đầm cụ thể để các hộ nuôi chủ động thực hiện. Theo đó, từ ngày 17/2/2016, toàn xã rút nước để làm công tác thủy lợi, nạo vét cống đầu khâu, mương máng, nạo vét đáy ao, tu sửa bờ, đầm. Từ ngày 20/2 đến ngày 17/3/2016, với phương thức tập thể và xã viên cùng làm, Nam Cường đã nạo vét gần 3.000m3 cho 3.302m mương tiêu nước. Trong các ngày 26, 27 và 28/3/2016, xã đã đưa nước vào để thau rửa chua phèn hệ thống sông trục, mương cấp III và các hộ kết hợp thau rửa ao đầm từ 2 - 3 lần. Từ ngày 1 - 3/4/2016, tiến hành cấp nước để các hộ lọc, lấy nước vào ao diệt tạp, gây tảo, chuẩn bị thả tôm, cá các loại và ương nuôi ngao giống.

 

Về Nam Cường những ngày này, ao, đầm đều đã được thu dọn rong rêu, vét bùn đáy ao, bơm cát vào kết hợp bón vôi bột và tôn cao bờ. Toàn bộ diện tích 86ha nuôi trồng thủy sản nước lợ (13ha ngoài đê quốc gia, 73ha trong đê quốc gia) đã sẵn sàng cho việc nuôi thả. Ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã cho biết, con nuôi nước lợ tập trung chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ (55ha) và ngao (21ha), phấn đấu giá trị đạt khoảng 26,8 tỷ đồng. Đối với 28,75ha nước ngọt, con nuôi chủ lực là cá trắm đen (10ha), phấn đấu đạt giá trị 4,4 tỷ đồng. Để tìm kiếm những giống cho hiệu quả kinh tế cao, một số mô hình xen canh đưa vào nuôi thả một số đối tượng nuôi mới như cá đối mục, cá hồng mỹ. Có những đối tượng nuôi mới như sò huyết đã từng bước khẳng định phù hợp, hiệu quả đối với Nam Cường.

 

Khu đầm của ông Vũ Đình Hòa (thôn Hoàng Môn) nuôi thả 900kg sò huyết từ tháng 5/2015 trên diện tích 0,5ha, sau 9 tháng với tỷ lệ sống 55% đã cho lãi 200 triệu đồng. Cũng theo ông Hoàng Ngọc Sang, để thực hiện thắng lợi mục tiêu giá trị nuôi trồng thủy sản năm 2016 hơn 35 tỷ đồng, cùng với cải tạo ao, đầm, Nam Cường còn phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn lịch thời vụ thả giống, mật độ nuôi phù hợp;  xây dựng các mô hình có hiệu quả, bền vững, tổ chức hội thảo phổ biến để nhân ra diện rộng cho nhân dân học tập, đầu tư phát triển sản xuất.

 

 

Sò huyết nuôi thử nghiệm tại Nam Cường.

 

Khắc phục điểm yếu trong khâu giống của năm 2015, UBND xã yêu cầu HTX DVNN xã và các hộ kinh doanh con giống phải đăng ký với UBND xã về bảo đảm kiểm dịch chất lượng con giống; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những hộ kinh doanh giống kém chất lượng. HTX DVNN xã cử cán bộ chuyên trách thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra tình hình nuôi thả của các hộ nuôi trồng thủy sản về giống, thời vụ thả giống, mật độ thả, kỹ thuật chăm sóc… Trước mỗi kỳ con nước, tổ kỹ thuật của HTX phải kiểm tra nguồn nước bằng các thiết bị kỹ thuật như máy đo độ mặn, máy đo PH để đề ra biện pháp phù hợp. Đối với tôm, cần thả nuôi đồng loạt tạo thuận lợi cho việc quản lý con giống, quản lý dịch bệnh, chăm sóc để khi thu hoạch tập trung sẽ  hạn chế hiện tượng bị ép giá. Trong hai tháng đầu khi mới thả tôm, thả cá cần gây màu nước để tăng cường thức ăn tự nhiên cho tôm nhỏ; tạo màn che không cho ánh nắng soi xuống đáy ao làm phát sinh rong rêu và cho tôm ăn chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp. Từ tháng thứ ba trở đi nên cho tôm ăn thêm con gion, dắt, cá các loại giúp tôm chóng lột xác, đồng thời trộn thêm các vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Trong suốt quá trình nuôi, theo kích cỡ của đàn tôm, cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa, gây ô nhiễm đáy ao.

 

Vụ thả nuôi thủy sản năm 2016 của Nam Cường đã khắc phục, chấn chỉnh được nhiều điểm yếu của năm 2015. Tuy nhiên, xã cũng như các ngành chức năng của huyện, của tỉnh cần sớm xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ như cầu cống, kênh mương để quy vùng nuôi từng loại thủy sản riêng biệt; tạo điều kiện cho hộ nuôi được vay đủ vốn, dài hạn với lãi suất ưu đãi; có chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân khi gặp rủi ro trong sản xuất.

 

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày