Thứ 3, 19/11/2024, 11:24[GMT+7]

Chuyện ngày mùa ở Thụy Lương

Thứ 6, 15/07/2016 | 19:41:08
704 lượt xem
Khoa học kỹ thuật phát triển đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi rõ nét nhất là từ việc “con trâu đi trước cái cày theo sau”, đến nay, bà con nông dân đã nhàn hơn rất nhiều nhờ đưa máy móc vào sản xuất, kéo theo đó là một loạt thay đổi khác về nhân lực trong nghề nông...

Chỉ có người già làm nhiệm vụ thu hoạch lúa.

 

Máy móc thay sức người

 

Buộc chiếc xe kéo chất đầy những bao thóc tròn lẳn, ông Nguyễn Duy Quyết ở thôn 2, xã Thụy Lương (Thái Thụy) vui vẻ nổ máy kéo thóc về nhà. Vụ xuân vừa rồi, gia đình ông cấy 4 sào lúa nhưng không trực tiếp gặt cây nào mà chỉ việc ra đồng kéo thóc về phơi. Ông tâm sự: Ngày trước làm ra được hạt thóc vất vả lắm. Đi cày bừa mấy ngày trời mới được vài sào ruộng. Cày xong rồi cấy, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, mấy tháng trời mới trông thấy cây lúa trỗ bông. Đến ngày gặt thì đi từ sáng sớm, lúa mang về sân chất thành đống, lúa tuốt bằng máy thủ công, đạp mỏi cả chân, xoay mỏi cả tay. Lúc ấy mới nhìn thấy hạt thóc. Tính ra, làm cả ngày mới được sào lúa. Bây giờ thì làm gì cũng có máy. Máy cày, máy bừa rồi máy cấy, máy gặt. Nước dẫn vào tận ruộng. Không phải làm cỏ vì đã có thuốc phun trừ rồi. Lúc máy gặt xong chỉ việc mang xe ra chở thóc về nhà. Trước đây, cả ngày, 5 người mới gặt được 3 sào lúa mà mệt bở hơi tai. Giờ máy chỉ đi một ngày cũng gặt được chục mẫu.

 

Giống như nhà ông Quyết, nhà bà Nguyễn Thị Khanh cũng ở thôn 2 có 9 sào ruộng thì có đến 7 sào gặt máy. Bà cho biết, trước đây, mùa gặt phải kéo dài ít nhất nửa tháng còn bây giờ chỉ từ 3 - 5 ngày là xong hết. Mọi người không phải gặt đổi công cho nhau, có máy gặt đập liên hợp, 7 sào ruộng chỉ cần một buổi sáng là xong.

 

Người già và trẻ nhỏ ra đồng

 

Cấy máy, gặt máy, cày bừa rồi dẫn nước vào ruộng cũng bằng máy, có lẽ vì vậy mà khái niệm “bận như ngày mùa” đã không còn đúng đối với những người nông dân nữa. Có máy móc hỗ trợ, làm nông nghiệp cũng không còn quá vất vả. Ngày mùa, khắp trong xóm ngoài đồng chỉ thấy những người trung niên, từ 40 - 50 tuổi trở lên cùng các em nhỏ được nghỉ hè chở thóc, phơi thóc. Thanh niên trong làng hoặc là đi học đại học, hoặc là đi làm ăn xa, hoặc chọn con đường đi làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp cho bõ sức mạnh “bẻ gãy sừng trâu” thay vì ở lại quê sản xuất nông nghiệp. Bà Khanh chia sẻ: Hiếm gặp được thanh niên ở ngoài đồng. Toàn tầm tuổi như tôi thôi. Thanh niên đi làm công nhân hoặc đi làm ăn xa chứ đâu có ở nhà làm nông nghiệp. Cứ nhìn cả xóm này thì ra cả làng. Từ đầu ngõ tới cuối ngõ, ngày mùa chả thấy bóng thanh niên nào, chỉ toàn ông già, bà già đi gặt. Trên thực tế, không ít thanh niên trong độ tuổi lao động chọn đi làm công nhân thay vì quanh quẩn với mấy sào ruộng. Đi làm công nhân may từ 6 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, có hôm tăng ca sẽ phải làm muộn hơn nhưng đổi lại là thu nhập ổn định. Chị Sa Thị Xiêm ở thôn 2 tâm sự: Nếu đi làm đều thì thu nhập cũng khá, được 3 triệu đồng một tháng, tháng nào tăng ca được 4 triệu đồng. Còn nếu cấy lúa, chờ mấy tháng trời mới thấy tiền, năm được mùa năm mất mùa, thu nhập không ổn định.

 

Mong cho con cháu đi làm công nhân, đi làm ngành nghề khác để có thu nhập ổn định là suy nghĩ của rất nhiều người cao tuổi ở nông thôn hiện nay. Áp dụng máy móc, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nên hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không cho hiệu quả kinh tế cao. Có lẽ vì vậy mà thanh niên nông thôn hiện nay không thiết tha với đồng ruộng. Trên thực tế, tại khắp các địa phương, không ít nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng liên kết tiến lên sản xuất hàng hóa, thay đổi phương thức sản xuất kết hợp chăn nuôi với trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, cần lắm những tư duy mới, cách làm mới để người nông dân có thể gắn bó lâu dài với ruộng đồng, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 

Nguyễn Thị Lương

(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày