Thứ 6, 15/11/2024, 17:16[GMT+7]

Phát triển trồng trọt theo chiều sâu

Thứ 2, 24/10/2016 | 09:40:16
948 lượt xem
Câu hỏi đặt ra là tại sao nông dân Thái Bình vẫn chưa giàu khi tạo ra năng suất lúa cao nhất khu vực đồng bằng sông Hồng? Phải chăng đã qua thời kỳ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, lấy năng suất, sản lượng làm thước đo cho mọi kết quả? Giờ đây năng suất phải đi liền với chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững với môi trường. Đã đến lúc phải chuyển qua giai đoạn phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, lấy giá trị sản xuất tạo ra trên đơn vị diện tích và hiệu quả kinh tế làm thước

Nông dân Song An (Vũ Thư) chăm sóc mướp đắng vụ đông. Ảnh: Quỳnh Lưu

 

Với hơn 80.000ha đất canh tác, nếu chỉ sản xuất hai vụ lúa với năng suất bình quân 13 tấn/ha/năm, giá trị sản xuất chỉ thu được từ 80 - 90 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất thêm một vụ đông hiệu quả sau hai vụ lúa, giá trị sản xuất tăng lên 120 - 130 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, diện tích cây vụ đông cũng chỉ chiếm 35 - 40% diện tích đất canh tác. Cá biệt, một số địa phương trồng thêm vụ hè xen giữa hai vụ lúa với công thức luân canh 4 vụ: lúa xuân sớm - dưa lê hè - lúa mùa sớm - cây vụ đông như Song An (Vũ Thư), Tân Tiến, Hòa Tiến, Tây Đô (Hưng Hà), giá trị sản xuất tăng lên 270 - 280 triệu đồng/ha/năm. Trên các vùng chuyên canh cây màu, với các tiến bộ kỹ thuật hiện nay, người dân có thể luân canh 5 - 6 vụ/năm, giá trị sản xuất thu được từ 15 - 18 triệu đồng/sào (tương đương với hơn 400 triệu đồng đến trên 500 triệu đồng/ha) là hoàn toàn khả thi. Tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), trên diện tích canh tác 357ha, trong đó diện tích chuyên trồng cây rau màu trên 50ha, với khoảng 800 hộ, hàng năm, giá trị sản xuất do cây rau màu mang lại gần 20 tỷ đồng, bình quân giá trị sản xuất đạt gần 400 triệu đồng/ha/năm, thu nhập của người dân do cây màu mang lại gấp 2 - 3 lần so với cây lúa. Điển hình như hộ ông Nam ở thôn An Phú, với diện tích 3,5 sào, thực hiện công thức luân canh: mướp đắng - tỏi tây - su hào - su hào - su hào cho giá trị sản xuất 15 triệu đồng/sào/năm, lợi nhuận đạt trên 8 triệu đồng/sào/năm. Hay hộ ông Khoát ở thôn Đoàn Xá có 3 sào chuyên màu, luân canh: hành hoa - hành hoa - cần tây - su hào - su hào - su hào (với các giống su hào chịu nhiệt của Hàn Quốc) cho giá trị 18 triệu đồng/sào, tương đương 500 triệu đồng/ha/năm. Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Hải Phạm Văn Liễn cho biết, còn rất nhiều công thức luân canh khác cũng cho giá trị sản xuất tương tự, cá biệt có hộ đạt giá trị sản xuất 30 triệu đồng/sào/năm (quy ra đạt trên 800 triệu đồng/ha/năm). Như vậy, việc gia tăng giá trị sản xuất để đạt được mục tiêu 400 - 500 triệu đồng/ha/năm là hoàn toàn có thể thực hiện, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán. Phần lớn các hộ đều khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chưa hình thành những vùng sản xuất áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, các quy trình sản xuất an toàn theo VietGaph.

 

 

Nông dân Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây màu.

 

Để gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Thay đổi tư duy sản xuất theo hướng gia tăng giá trị, lấy hiệu quả kinh tế là thước đo cho mọi hoạt động, đồng thời phải bền vững với môi trường. Thực hiện quy hoạch vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng sản phẩm ở các địa phương để định hướng phát triển sản xuất. Công khai và ổn định quy hoạch để doanh nghiệp có chiến lược đầu tư, người dân có ruộng yên tâm chuyển nhượng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên theo quy định của pháp luật hình thành những vùng, những trang trại sản xuất tập trung quy mô lớn. Tăng vụ sản xuất trên cơ sở cơ cấu lại các giống cây trồng cho phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện thực tế của các địa phương. Chuyển một số diện tích trồng lúa sang trồng cây rau màu, hoặc chuyển một vụ lúa sang trồng các cây màu ở những nơi có điều kiện. Ngay trong từng ngành hàng cũng cần có sự tái cơ cấu, như tăng tỷ lệ lúa chất lượng trong cơ cấu, hạn chế các giống có năng suất cao chất lượng trung bình, dễ nhiễm sâu bệnh. Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn với thị trường, gắn với chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ cùng một loại sản phẩm ở các địa phương. Đổi mới nội dung hoạt động của HTX nông nghiệp kiểu mới để từng bước vươn lên kết nối giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại sản xuất ở địa phương. Xúc tiến việc xây dựng thương hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản nổi trội của một số địa phương như: tỏi ở Thụy An (Thái Thụy), hành ở Đông Long (Tiền Hải), gạo thơm trên các vùng đất sâu màu, giàu dinh dưỡng ven biển... để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như giống mới, quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả sản xuất, chế biến, bảo quản, thu mua, tiêu thụ sản phẩm) tạo thành các chuỗi (sản xuất - chế biến - tiêu thụ) cho từng loại nông sản.

 

Nguyễn Như Liên

(Giám đốc Trung tâm Khuyến nông)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày